Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của Đảng cách mạng có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị hiện nay.
Trong điều kiện đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng càng phải không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Bản lĩnh Hồ Chí Minh – bản lĩnh chính trị của Đảng chân chính cách mạng
Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh chính trị với những quan điểm rất riêng và sáng tạo. Khi đó, Quốc tế Cộng sản chưa nhìn nhận đầy đủ vai trò của cách mạng thuộc địa và cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa chỉ có thể thắng lợi sau khi cách mạng vô sản thắng lợi ở các nước tư bản (chính quốc). Tháng 5-1921, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mạng các nước thuộc địa ở châu Á có thể chủ động giành thắng lợi và còn “có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(1). Là người hoạt động quốc tế sôi nổi, nhất là trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rất coi trọng tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết, giúp đỡ của đồng chí, bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc mình. Nhưng Người ý thức rất rõ là phải dựa vào thực lực của chính mình để tự giải phóng, “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(2). Ý chí tự lực, tự cường của Người là rất rõ ràng và đã trở thành ý chí của toàn Đảng và toàn dân tộc.
Ở một nước thuộc địa, phong kiến lạc hậu như Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp; từ đó, Người đã viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Ở xứ thuộc địa, mâu thuẫn dân tộc là cực kỳ gay gắt; vì vậy, đấu tranh giải phóng dân tộc phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là đấu tranh giai cấp như ở các nước tư bản phương Tây. Đó là điều rõ ràng trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Các giai cấp bóc lột ở Việt Nam (địa chủ, tư sản) đều nhỏ bé, một bộ phận có tinh thần dân tộc và yêu nước ở mức độ nhất định. “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”(3). “Nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có tài sản gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì cam chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được”(4). “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(5).
Do đặc điểm và mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp như thế, nên khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930), trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ mục tiêu chiến lược là: Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, để đi tới xã hội cộng sản. Đảng chủ trương tranh thủ mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội vào thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Quan điểm đó của Nguyễn Ái Quốc đã không được Quốc tế Cộng sản và một số đồng chí hiểu đúng, thậm chí còn cho là biểu hiện của chủ nghĩa quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì giữ vững quan điểm nêu cao đấu tranh dân tộc, và phải đến Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935), một số đồng chí trong Quốc tế Cộng sản mới chia sẻ với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, khi Quốc tế Cộng sản chủ trương các đảng cộng sản phải lập Mặt trận dân tộc, dân chủ chống nguy cơ chủ nghĩa phát-xít, nguy cơ chiến tranh thế giới. Ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc có thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản nêu rõ mình đã 8 năm trong “tình trạng không hoạt động”, vì thế “Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”(6).
Năm 1938, Quốc tế Cộng sản đồng ý để Nguyễn Ái Quốc trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng. Cần nhấn mạnh rằng, thực tiễn cách mạng Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn, sáng tạo, không giáo điều. Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, họp ở Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) đã chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc ở Hà Quảng, Cao Bằng. Tại đây, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5-1941). Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc với mục tiêu giành cho được độc lập, với tinh thần độc lập trên hết, dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết. Vấn đề lợi ích giai cấp phải phục tùng lợi ích dân tộc: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(7).
Chủ trương đúng đắn đó đã đoàn kết mọi lực lượng có thể và phát huy được sức mạnh toàn dân tộc quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, để làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trên tầm cao nhận thức, giành được độc lập, tự do cho dân tộc đã có lợi ích của bộ phận, giai cấp trong đó. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp đã thể hiện bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại quan điểm phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn của đất nước, không nên “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(8).
Những năm 1945 – 1946, cách mạng Việt Nam phải chống giặc ngoài, thù trong, tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tỏ rõ bản lĩnh và sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời có những quyết sách khôn khéo, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Ngày 11-11-1945, Đảng tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, bảo toàn lực lượng. “Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn, và để có thời giờ củng cố dần dần lực lượng của chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất. Lúc đó, Đảng không thể do dự. Do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp – dù là những phương pháp đau đớn – để cứu vãn tình thế”(9).
Trong lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tư duy sáng tạo, phân tích hoàn cảnh cụ thể của đất nước, kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm các nước, nhưng không máy móc, giáo điều. Năm 1956, Người đã nhận thức “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”(10). “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”(11). “Còn giai cấp tư sản ở ta thì họ có xu hướng chống đế quốc, có xu hướng yêu nước… cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”(12). Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích điều kiện của Việt Nam vừa thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu. “Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay”(13). Người chỉ rõ: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(14).
Trong quá trình lãnh đạo và cầm quyền, Đảng cũng phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm, hoặc trên những vấn đề lớn, hoặc trong phạm vi hẹp hay ở một số đồng chí. Đó là, sai lầm “tả” khuynh trong Chỉ thị thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ (năm 1931), Trung ương đã kịp thời phê phán khuyết điểm của một số đồng chí trong hợp tác vô nguyên tắc với các phần tử tơ-rốt-xkít và về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; là việc tồn tại 2 Xứ ủy (Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng) ở Nam Kỳ trước Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Khi Đảng nắm chính quyền, một số cán bộ đã phạm những lầm lỗi: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời phê bình và yêu cầu sửa chữa. Khi xảy ra sai lầm trong cải cách ruộng đất (năm 1956), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự phê bình trước nhân dân và quyết tâm sửa sai. Tự chỉ trích, tự phê bình khi phạm sai lầm là yêu cầu đối với một đảng chân chính cách mạng. Người nêu rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(15).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng của Người đã, đang và sẽ mãi mãi soi sáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Bản lĩnh Hồ Chí Minh chính là bản lĩnh chính trị của Đảng chân chính cách mạng, thể hiện ở những nội dung chủ yếu: Một là, Đảng nêu cao khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng bào; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, đồng thời tuyệt đối trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không xa rời những mục tiêu chiến lược căn bản đó. Hai là, độc lập, tự chủ, luôn luôn tinh thần xuất phát từ thực tiễn của cách mạng, đất nước để vận dụng sáng tạo lý luận khoa học Mác – Lê-nin, lựa chọn hình thức, phương pháp đấu tranh thích hợp và phương châm, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội có hiệu quả. Kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại, cơ hội “tả” khuynh, “hữu” khuynh; đồng thời, chống giáo điều, nóng vội, duy ý chí. Ba là, nắm vững nguyên tắc cách mạng, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo về sách lược “dĩ bất biến ứng vạn biến”; chủ động, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên quyết giữ vững nền độc lập, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không hoang mang, dao động trong hoàn cảnh hiểm nghèo, vững tin ở thắng lợi. Bốn là, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm với thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm sửa chữa. Những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền đều được Đảng sửa chữa có kết quả, từ đó củng cố được niềm tin của nhân dân, tăng cường thống nhất, tinh thần đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị – nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nói chung và xây dựng Đảng về chính trị nói riêng
Rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị có mối quan hệ mật thiết với các nội dung xây dựng Đảng về chính trị và có ảnh hưởng lớn đến cả xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị là yêu cầu đặt ra với Đảng và cũng là yêu cầu đặt ra với từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược.
Báo cáo chính trị, Báo cáo về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng và Nghị quyết của Đại hội XIII, đều đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Những nội dung cơ bản đó trong xây dựng Đảng có quan hệ mật thiết và quyết định lẫn nhau, để hướng tới mục tiêu chính trị là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xét đến cùng, vấn đề xây dựng Đảng về chính trị của một đảng lãnh đạo, cầm quyền như Đảng ta có ý nghĩa quyết định bản chất cách mạng, bản chất giai cấp công nhân, bản chất nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị với nội dung căn bản: “Kiên định và không ngừng vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng”(16).
Từ thực tiễn đổi mới, Đảng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, bài học hàng đầu là: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(17). Kinh nghiệm trước hết trong công tác xây dựng Đảng là: “nâng cao bản lĩnh chính trị; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cơ hội chính trị”(18).
Từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ kinh nghiệm, bài học xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới, nội dung, phương hướng xây dựng Đảng về chính trị hiện nay cần được chú trọng trên những vấn đề lớn:
Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, không ngừng bổ sung, phát triển đường lối đổi mới, cương lĩnh xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trong xây dựng Đảng về chính trị, vấn đề hàng đầu là xây dựng, hoàn chỉnh và bảo đảm tính đúng đắn của cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng. Đó cũng là điều kiện cơ bản cho sự lãnh đạo, cầm quyền thành công của Đảng Cộng sản. Cương lĩnh, đường lối bao giờ cũng là sự kết hợp giữa nguyên lý lý luận, quy luật khách quan với đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử của đất nước, của cách mạng ở mỗi thời kỳ và phải luôn xuất phát từ thực tiễn để vận dụng, phát triển lý luận một cách sáng tạo. Nhờ vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chiến tranh cách mạng mà Đảng đề ra đường lối cách mạng giải phóng và đường lối kháng chiến thích hợp để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến toàn thắng. Trong đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa trước đổi mới đã có lúc Đảng chưa nhận thức đúng đắn các quy luật, rơi vào nóng vội, chủ quan, duy ý chí nên đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Đường lối đổi mới của Đại hội VI (tháng 12-1986) vừa sửa chữa khuyết điểm, vừa đổi mới tư duy lý luận để nhận thức rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới của Đảng không ngừng được bổ sung, phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) được bổ sung, phát triển năm 2011 chính là sự tiếp nối tư duy đó. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn để làm rõ nhiều vấn đề mới do sự vận động và phát triển của đất nước và thời đại đặt ra.
Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa trung thành với lý luận Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với không ngừng phát triển lý luận, đổi mới nhận thức. Trung thành mà không thể phát triển thì sẽ sa vào giáo điều, bảo thủ, trì trệ; phát triển mà không trung thành sẽ có thể mắc vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội và chệch hướng. Mối quan hệ giữa kiên định nguyên tắc với đổi mới sáng tạo phải luôn luôn được đặt ra với Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược – đội ngũ có vai trò hoạch định đường lối.
Nhiều vấn đề xây dựng Đảng về chính trị đang đặt ra đối với đường lối, chủ trương lớn, những quyết sách chiến lược của Đảng cần có giải pháp xử lý kịp thời, gắn liền với việc hoàn chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa các quy luật của thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa nhà nước với thị trường và xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự thể chế hóa đường lối của Đảng và do đó, có quan hệ mật thiết với xây dựng Đảng về chính trị. Chính sách, pháp luật càng hoàn thiện, có hiệu lực, chính là hiện thực hóa có hiệu quả đường lối, Cương lĩnh của Đảng. Đại hội XIII của Đảng bổ sung một mối quan hệ lớn rất quan trọng, đó là quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đây là vấn đề lớn về chính trị, xã hội của Đảng Cộng sản cầm quyền. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng là thuộc phạm trù Đảng lãnh đạo chính trị, xây dựng nền chính trị vì dân và do đó, cũng là yêu cầu xây dựng Đảng về chính trị.
Thứ hai, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ, trí tuệ của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược.
Bản chất giai cấp công nhân của Đảng là sự hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, giải phóng triệt để dân tộc, giai cấp, xã hội và con người; là tính tiền phong cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc; là phẩm chất chính trị cao đẹp, đức hy sinh, ý thức tổ chức, tính kỷ luật, phong cách làm việc nghiêm túc, tinh thần tập thể gắn liền với tác phong công nghiệp. Trong thời đại cách mạng khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ, thì bản chất giai cấp công nhân còn là trình độ trí tuệ, là nền học vấn hiện đại. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự tiêu biểu về trí tuệ.
Bản lĩnh chính trị của Đảng cần được nhận thức sâu sắc như điều kiện bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh của một đảng chân chính cách mạng lãnh đạo đất nước, xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, trong điều kiện một thế giới đầy biến động, khó lường, phải nâng cao “năng lực dự báo”, phân tích, đánh giá đúng đắn thực tiễn của đất nước và “xu thế phát triển của thời đại”. Điều đó đòi hỏi Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần luôn luôn nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị. Những quyết sách chính trị của Đảng phải bảo đảm sự đúng đắn, chính xác, không bị động, bất ngờ trên tất cả các lĩnh vực. Bản lĩnh chính trị của Đảng đặt ra yêu cầu mọi tổ chức đảng, cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên, “trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược” phải nâng cao tính chiến đấu. Kiên quyết phê phán, loại bỏ những sai trái, khuyết điểm, bảo vệ cái đúng, bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua và có đủ bản lĩnh, năng lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ.
Xây dựng Đảng về chính trị luôn luôn hướng tới khả năng hiện thực hóa tốt nhất, có hiệu quả nhất cương lĩnh, đường lối của Đảng, tức là thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng, của giai cấp và dân tộc. Sau khi đã có đường lối đúng đắn, thì toàn bộ vấn đề là ở năng lực thực hiện đường lối, là hành động thực tiễn. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đưa ra nhận định rằng, khâu tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cần phải nâng cao hơn nữa khả năng cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời “khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện”.
Thứ ba, xây dựng Đảng về chính trị là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, đề cao trách nhiệm của Đảng trước đất nước và nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng kiên định lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn đổi mới đã ngày càng làm sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội Việt Nam với 8 đặc trưng đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Một trong những đặc trưng đó là xây dựng xã hội “do nhân dân làm chủ”; bởi vậy, cần xây dựng và không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xã hội là cơ sở rất quan trọng và cũng là yêu cầu khách quan để phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nội dung “Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng”. Đó là nội dung cần được nhận thức rõ và kiên trì thực hiện. Khi khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới phong cách làm việc, khắc phục tình trạng quan liêu xa rời thực tế, xa rời nhân dân; lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ.
Cần nhận thức rõ, nội dung xây dựng Đảng về chính trị được Đại hội XIII nhấn mạnh là khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tính kiên định đó thể hiện trách nhiệm cao của Đảng đối với đất nước và nhân dân trên con đường phát triển, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với lịch sử, đối với con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn – sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Mục tiêu chính trị của Đảng, của dân tộc và con đường phát triển đó là duy nhất đúng đắn, không thể là con đường nào khác.
Trách nhiệm chính trị của Đảng đối với sự phát triển của đất nước, lợi ích quốc gia – dân tộc và sự bình yên trong cuộc sống của nhân dân là rất quan trọng. Đó không chỉ là sứ mệnh, là nguyên tắc mà còn là lương tâm, danh dự của Đảng. Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đều được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng và Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định điều đó. Thực tế cho thấy, ở ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương, đơn vị nào mà trách nhiệm chính trị được đề cao và thực hiện nghiêm túc thì nơi đó đạt được nhiều thành quả trong sự phát triển, niềm tin của nhân dân được củng cố, năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao. Mọi biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đều mang lại hậu quả tiêu cực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì thế mọi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị cần nghiêm túc, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân./.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
——————–
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 48
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 320
(3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 508, 509, 511
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 117
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 113
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 312
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 27
(10), (11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 390, 391, 391
(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 92
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 301
(16), (17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 180 – 181, 95
(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 225 – 226
Theo TCCS