“Quỹ độc lập” – “Tuần lễ VÀNG”: Bài học về phát huy sức mạnh lòng dân

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Gần 80 năm trôi qua, nhưng bài học về phát huy sức mạnh lòng dân từ thành công “Quỹ độc lập” – “Tuần lễ VÀNG” tháng 9 năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và tính thời sự sâu sắc đối với phát huy “thế trận lòng dân” (TTLD) thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay.

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU

Sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gặp muôn vàn khó khăn, thử thách đe dọa nghiêm trọng đến nền tự do, độc lập, đặt vận mệnh đất nước như thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình thế đó, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, phân tích, dự báo đúng tình hình, đề ra các giải pháp cấp bách để tháo gỡ; trong đó, có giải pháp dựa vào sự tự nguyện đóng góp của nhân dân nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn lực tài chính quốc gia. Ngày 4/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ lâm thời ký ban hành Sắc lệnh số 4-SL về thành lập “Quỹ độc lập”. Sau đó, Chính phủ ra Chỉ thị về triển khai tổ chức “Tuần lễ VÀNG” (từ 17/9 – 24/9/1945) trong cả nước để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ, ủng hộ nền độc lập quốc gia.

Từ kết quả thành công của “Quỹ độc lập” – “Tuần lễ VÀNG”, có thể rút ra được những bài học quý báu như sau:

Một là, sự lãnh đạo, điều hành nhạy bén, kịp thời, sáng tạo của Đảng và Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh lòng dân, bảo đảm thành công của “Quỹ độc lập” – “Tuần lễ VÀNG”. Nhân ngày khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi toàn quốc đồng bào, nói rõ sự cần thiết và mục đích, ý nghĩa to lớn của việc tổ chức “Tuần lễ VÀNG” đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tự do, độc lập của nước nhà vừa mới giành được và kêu gọi nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước. Sắc lệnh của Chính phủ và bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu, đoàn kết toàn dân tộc thành khối thống nhất ý chí và hành động, tự giác ủng hộ vàng, tiền, bảo vật… với giá trị quy đổi là 20 triệu đồng và 370 kg vàng(1), giúp Chính phủ có đủ nguồn lực giải quyết khó khăn bức thiết về tài chính, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng và khát vọng tự do, độc lập của dân tộc, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc sau này.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy khát vọng tự do, độc lập của dân tộc, đưa “Tuần lễ VÀNG” thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Mặt trận Việt Minh, Chính phủ, các tổ chức đoàn thể đã chú trọng truyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới công – thương và những nhà giàu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa “Quỹ độc lập” – “Tuần lễ VÀNG”. Khơi dậy, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, yêu nước, ý chí, quyết tâm: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”(2). Đồng bào cả nước coi việc tham gia ủng hộ chính quyền cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của công dân đối với vận mệnh nước nhà; không phân biệt giới tính, tuổi tác, tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo; tự nguyện, tự giác ủng hộ vàng, tiền, vật dụng, kể cả những tài sản quý giá nhất của bản thân, gia đình, dòng họ… cho chính quyền, với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giữ vững nền tự do, độc lập của dân tộc, xứng đáng với “sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận”(3).

Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của các nhà giàu và người có uy tín trong xã hội tiến hành công tác tuyên truyền, vận động đồng bào hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”(4). Chính phủ đã cử ông Đỗ Đình Thiện – nhà tư sản yêu nước, phụ trách quỹ ở Trung ương, cựu Hoàng hậu Nam Phương được mời làm chủ tọa “Tuần lễ VÀNG” tại Huế; phát huy vai trò gương mẫu của các gia đình, cá nhân tiêu biểu, như: Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, Nguyễn Sơn Hà – Nguyễn Thị Ngọc Mùi, Nguyễn Hữu Nhâm – Nguyễn Thị Lãm, doanh nhân Vương Thị Lai, Vua Mèo Vương Chí Sình, Bà Thềm (Công chúa Chăm)… để giác ngộ tinh thần tự giác, tích cực, nhiệt tình hưởng ứng của toàn quốc đồng bào, đưa hoạt động ủng hộ “Quỹ độc lập” – “Tuần lễ VÀNG” trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng lớn, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Ba là, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền thống dân tộc về phát huy vai trò, sức mạnh quần chúng nhân dân. Đó là quá trình giác ngộ, hiệu triệu lòng dân, đoàn kết toàn dân, huy động, phát huy sức mạnh lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Đây là chân lý, giá trị, định hướng chiến lược, nhân tố quyết định đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công, đúng như Lênin đã khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được…”(5).

GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN SÂU SẮC

Hiện nay, thành tựu công cuộc đổi mới đã tạo cho đất nước thế, lực và sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước, nhưng khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, khu vực, trong nước, diễn biến phức tạp, khó dự báo, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặt ra yêu cầu đối với tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo bài học thành công từ “Quỹ độc lập” – “Tuần lễ VÀNG” để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với phát huy “thế trận lòng dân”. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức, khơi dậy, quy tụ, phát huy sức mạnh lòng dân, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng vững chắc, cội nguồn sức mạnh thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc, nhất là trước những thời điểm, sự kiện có tính bước ngoặc, trọng đại của đất nước. Tổ chức đảng, chính quyền cơ sở phải không ngừng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; thực sự là hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và chủ thể tích cực phát huy sức mạnh TTLD xây dựng địa phương giàu đẹp. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể xã hội trong tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và các mục tiêu, chương trình, dự án, kế hoạch trọng điểm, cấp thiết. Trước những tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, tình hình thế giới, khu vực và những thách thức, khó khăn nội tại; Đảng, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, phát huy sức mạnh TTLD, thực hiện các giải pháp phòng, chống, khắc phục, xử lý đạt hiệu quả cao; góp phần ổn định tình hình, củng cố niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế với Đảng, Nhà nước, chế độ chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Thứ hai, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác vận động quần chúng, khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của nhân dânTiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(6) tạo thành động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước. Tích cực đổi mới, nội dung phương thức triển khai chính sách, công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là ở các địa bàn trọng yếu, trên không gian mạng, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin và khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý thức tự lực, tự cường của nhân dân, kiều bào trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết hợp chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách với nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, cổ phần hoá, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước… để mở rộng hành lang pháp lý và dư địa phát triển cho các thành phần kinh tế khác. Chú trọng phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phát huy vai trò tiền phong, trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, thế hệ trẻ tích cực tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành phong trào rộng khắp, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược do Đại hội XIII xác định và các chương trình, đề án trọng điểm quốc gia. Sự ủng hộ, đóng góp to lớn về nhân lực, tài lực của nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các công ty, tập đoàn kinh tế, cộng đồng doanh nhân trở thành động lực quan trọng trong triển khai các mục tiêu, chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua trọng điểm của Chính phủ phát động, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh… từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của dân tộc.

Thứ ba, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước và chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của thế lực thù địch, phản động. Chú trọng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn tân tộc; luôn quán triệt bài học lấy “dân làm gốc”, “thực hiện hiện tốt công tác vận động quần chúng, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân”… vững chắc”(7). Khơi dậy niềm tin, thái độ, tình cảm, trách nhiệm, ý chí, quyết tâm của nhân dân để huy động sức mạnh, nguồn lực to lớn từ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện thực chất, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, lấy hạnh phúc, ấm no và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhằm xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về “chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ”, xây dựng chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trước nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ trì, đúng với sự chỉ đạo: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”(8). Đồng thời, chủ động đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” và những hạn chế, sơ hở của ta để xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, TTLD, mục tiêu phát triển đất nước… của các thế lực thù địch, phản động. Tuyên truyền vận động nhân dân không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội, phá hoại sản xuất, kinh doanh, v.v.. Qua đó, không ngừng củng cố niềm tin, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, trước hết là đối với tổ chức đảng và chính quyền cơ sở. Sự tích cực, tự giác hưởng ứng, ủng hộ, hiến tặng tiền, vật chất, đất đai, ngày công… của nhân dân, kiều bào và các tổ chức thời gian qua đã giúp nước ta thực hiện thắng lợi, về đích sớm các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, Chương trình mục tiêu quốc gia và các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, v.v.. Cùng với đó, “Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”(9), thể hiện sự thống nhất cao giữa ý Đảng hợp với lòng dân, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên hoàn thành các mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030, 2045 mà Đại hội XIII đã xác định./.

Đại tá, TS. Thái Doãn Tước
Thượng tá, ThS. Tô Hương Lan

————-

(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr. 600, 3, 17, 16.

(5) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1979, t. 39, tr. 251.

(6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr 34, 280.

(8) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019, tr 80.

(9) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và cong đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr 33.

Theo Tạp chí tuyên giáo

Trả lời