Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động, phong trào của Đoàn, Hội, Ban Thường vụ Huyện đoàn cùng với Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đã đẩy mạnh các chương trình đồng hành cùng với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế địa phương, tổ chức các buổi giao lưu, tham quan mô hình Thanh niên làm kinh tế giỏi để học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm nhằm cùng với hệ thống chính trị xây dựng Tây Sơn ngày càng phát triển, thịnh vượng trong tương lai. Nhờ phong trào khởi nghiệp, nhiều thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ý tưởng, các chủ dự án còn gặp nhiều khó khăn cả về kinh nghiệm và nguồn vốn, vướng mắc về cơ chế chính sách. Theo đó, một số dự án không đủ điều kiện về tài sản thế chấp khi thực hiện cho vay theo Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hoặc có dự án rất bài bản, thuyết phục nhưng không đủ điều kiện vay vốn vì phần lớn thanh niên là người trẻ sống cùng bố mẹ, không phải là chủ hộ cũng không có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, rất nhiều thanh niên đã bám trụ lại tại địa phương và triển khai được nhiều mô hình kinh tế làm ăn bước đầu có hiệu quả như mô hình trồng sả chanh của anh Trần Văn Minh – Bí thư Chi đoàn thôn Tiên Thuận, mô hình trồng măng tây của anh Phan Trọng Hà – Bí thư Chi đoàn thôn Thượng Sơn, mô hình chăn nuôi heo thịt của anh Nguyễn Long Giang – Ủy viên Ban Thường vụ Xã đoàn Tây Thuận, mô hình trồng quýt đường của anh Nguyễn Trường Hoàn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi xã Tây Xuân…
Năm 2021, cùng với Chủ đề “Thanh niên Tây Sơn khởi nghiệp, lập nghiệp”, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã cùng với Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã triển và giới thiệu nhiều mô hình để thanh niên có thể tiếp cận mô hình trồng cây ăn trái, mô hình chăn nuôi bò, mô hình trồng xen các loại cây… Nắm bắt được thông tin đã triển khai, cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban Hội huyện và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, anh Đoàn Văn Khoa – Phó Bí thư Đoàn xã Bình Tường đã mạnh dạn đứng ra thuê 03 hecta đất dự phòng của xã trong vòng 05 năm và có đang làm hồ sơ đề nghị huyện cho thuê đất dài hạn để ổn định canh tác.
Cùng với sự hỗ trợ về cây giống và chuyên môn nghiệp vụ, cũng như được sự tư vấn của các kỹ sư Trung tâm, anh Khoa đã trồng 02 mô hình gồm: mít xen dừa và bưởi da xanh trên diện tích thuê nêu trên với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Dự án đã được triển khai thực hiện và với việc dám nghĩ dám làm của anh Khoa, hy vọng trong thời gian sắp tới dự án sẽ thu được kết quả thuận lợi và mang lại lợi nhuận cao.
Đây là một trong những mô hình đã được Ủy ban Hội LHTN Việt Nam và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ trong thời gian qua. Trong thời gian đến, 02 đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp để đem lại nhiều mô hình kinh tế cho thanh niên để họ an tâm ở lại địa phương phát triển kinh tế, cùng với đó là tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động của Đoàn, Hội.
Huyền Trang – Huyện đoàn Tây Sơn