Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn Thị xã Hoài Nhơn đã làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã, qua đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng cho các đối tượng chính sách, giúp cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn được vay đầu tư phát triển kinh tế góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp lập thân, lập nghiệp ngày càng sâu rộng trong đoàn viên thanh niên.
Qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Hữu Phú – Bí thư Đoàn phường Hoài Thanh chúng tôi đến tham quan trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng tiêu của anh Huỳnh Trọng Nghĩa (1987) – Đoàn viên khu phố Mỹ An 1, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn. Để đảm bảo việc phòng, chống các loại dịch bệnh cho vật nuôi an toàn, nhất là dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đang trong giai đoạn bùng phát, anh Nghĩa xin phép trò chuyện với chúng tôi ở trang trại trồng tiêu của gia đình.
Theo anh Nghĩa, năm 2005, sau khi học xong lớp 12 do kinh tế gia đình khó khăn, anh không đủ điều kiện thi vào các trường Cao đẳng, Đại học, sau đó đi theo bạn bè vào Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh xin làm công cho một số trang trại chăn nuôi. Mặc dù công việc ổn định nhưng anh luôn trăn trở tìm hướng lập nghiệp tại quê nhà. Sau khi dành dụm được một số vốn và kinh nghiệm, đến năm 2011 anh trở về quê bàn bạc với gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi.
Do nguồn vốn ban đầu ít ỏi, anh chỉ thả nuôi 04 heo sinh sản để phát triển dần đàn heo thịt. Nhờ áp dụng tốt các quy trình hướng dẫn chọn giống nuôi và chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh nên nhiều năm qua việc chăn nuôi heo của anh khá thuận lợi, nhất là hạn chế được dịch bệnh gây ra. Đến nay trong gia trại của anh đã gầy được 20 con heo giống, cho sinh sản mỗi năm trên 400 heo con. Từ nguồn giống sạch này, hàng năm anh đầu tư nuôi luân phiên 3 đợt heo thịt, mỗi đợt 100 con, mỗi năm xuất chuồng 3 đợt, lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, với lợi thế đất vườn nhà rộng, thổ nhưỡng lại rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây tiêu, anh Nghĩa tiếp tục đầu tư trồng 300 gốc tiêu. Nhờ tính cần cù siêng năng chịu khó học hỏi cộng với quyết tâm khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, sau 05 năm vun trồng, chăm sóc, vườn tiêu của anh phát triển khá tốt và đã cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, anh lại được các bạn đoàn viên thanh niên giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH thị xã Hoài Nhơn thông qua ủy thác của Đoàn Thanh niên phường đã tăng thêm nguồn lực cho anh mạnh dạn đầu tư nuôi luân phiên 10 bò thịt, với kinh nghiệm sẵn có, nên chỉ sau 2 năm nuôi anh đã xuất bán mỗi năm 2 đợt mỗi đợt 03 con, giá trung bình mỗi con từ 35 – 40 triệu đồng.
Cũng theo anh Nghĩa, mỗi năm trừ chi phí, trang trại thu lãi gần 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 03 lao động thường xuyên và 05 lao động thời vụ địa phương với mức thu nhập 200.000đ/người/ngày.
Với lợi thế là địa phương có diện tích sản xuất hàng năm lớn nhất thị xã Hoài Nhơn, anh Phạm Xuân Nguyên (1989) – Đoàn viên Chi đoàn thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ cho biết, năm 2019, sau khi được Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hoài Nhơn với nguồn vốn này, xét thấy nhiều năm qua, mỗi khi bước vào vụ sản xuất lúa, nhu cầu làm đất xuống giống của bà con trong vùng là rất bức thiết đôi khi phải chờ đợi cả tuần mới đến lượt mình vì phương tiện còn hạn chế nên tôi mạnh dạn đầu mua ngay 01 chiếc máy cày để phục vụ làm đất cho bà con.
Để khai thác tối đa công năng của máy, anh Nguyên cải tạo lại máy vừa cày ruộng, vừa làm đất vừa chở vật tư nông sản khi có yêu cầu. Do làm ăn chắc thiệt và luôn giữ chữ tín, nên chiếc máy cày đa năng của anh được nhiều bà con nông dân trong xã ký kết hợp đồng làm đất khi bước vào thời vụ sản xuất, gieo trồng hoặc vận chuyển các loại nông, lâm sản ở địa phương. Trung bình chiếc máy cày đa năng của anh hoạt động liên tục khoảng 8 – 9 tháng/năm. Thu nhập bình quân sau khi trừ hết chi phí hao mòn thiết bị, xăng dầu còn lời khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Tính đến 31/3/2022, tổng dư nợ nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH thị xã Hoài Nhơn do Thị đoàn quản lý gần 49 tỷ đồng, thông qua 25 Tổ TK&VV với 968 hộ đoàn viên thanh niên vay. Nhờ làm tốt công tác quản lý, các dự án vay vốn đều sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đã góp phần hỗ trợ tích cực cho thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt, nhiều đoàn viên, thanh niên trẻ muốn khởi nghiệp đều đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời, thuận lợi.
Chị Huỳnh Thị Bích Trang – Bí thư thị đoàn Hoài Nhơn chia sẻ: “Những năm qua, nhờ sự đồng hành hỗ trợ tích cực của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã, thông qua Chương trình vay vốn giải quyết việc làm, phong trào khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên trên địa bàn ngày càng phát triển sôi nổi. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều thanh niên đã đầu tư phát triển thành công các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước khẳng định vị thế của mình trên con đường lập thân, lập nghiệp”.
Diệp Khánh Thiện