Do đó, cần thường xuyên rà soát những cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc bộ máy chống tham nhũng, kể cả người đứng đầu cấp ủy, đã tham gia trong ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời, chủ động bổ sung những cán bộ liêm kiết, trong sạch, có uy tín trong Đảng, nhân dân để thay thế những cán bộ đã không còn đủ tư cách, tiêu chuẩn.
Từ một sự việc
Trong Thông cáo báo chí sau Phiên họp lần thứ 13 (từ 28 đến 31-3-2022) của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, có ghi: “Xem xét kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, UBKT Trung ương nhận thấy đồng chí Trần Hồng Quảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ”. “Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Trần Hồng Quảng…”. Điều ngạc nhiên là ngày 16/7/2022, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thu Hà đã ký quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo PCTNTC) của tỉnh. Theo quyết định này, Ban Chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình gồm 15 thành viên, trong đó có đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình làm Phó Ban Chỉ đạo PCTNTC của tỉnh. Chiều 17/8/2022, trong cuộc họp báo của Ban Nội chính Trung ương công bố kết quả phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, một số ý kiến đã đặt câu hỏi tại sao ông Trần Hồng Quảng đã bị kỷ luật mà vẫn có tên trong danh sách Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Ninh Bình? Tại cuộc họp này, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: “Cần phải xem lại quyết định thành viên Ban Chỉ đạo của Ninh Bình và rà soát lại việc vi phạm của ông Quảng. Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Ninh Bình giải trình về vấn đề này trong thời gian tới”. Không thể vi phạm tới mức cảnh cáo lại là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngay sau đó, ngày 18/8/2022, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã ký Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh. Theo Quyết định này, Ban Chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình còn 14 thành viên, ông Trần Hồng Quảng không còn trong danh sách Ban Chỉ đạo PCTNTC của tỉnh Ninh Bình nữa. Sự việc nêu trên là một điều đáng tiếc, nhưng dư luận rất hoan nghênh Tỉnh ủy Ninh Bình, người đứng đầu cấp ủy tỉnh đã cầu thị và sửa chữa kịp thời! Từ một vụ việc ở Tỉnh ủy Ninh Bình đặt ra một số vấn đề về nhân sự ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh hiện nay.
Thường xuyên rà soát
Một trong những khó khăn rất lớn của các tỉnh, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tỉnh trực thuộc Trung ương là rà soát, lựa chọn được các thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC theo cơ cấu, nhưng tuyệt đối bảo đảm tiêu chuẩn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và uy tín. Chính vì vậy, đến nay phải gần 3 tháng sau khi Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì cả 63 tỉnh, thành phố mới thành lập đủ ban chỉ đạo. Bởi ban chỉ đạo và các thành viên về PCTNTC phải là những người tiêu biểu cho phẩm chất, đạo đức, uy tín ở cấp ủy đảng địa phương. Theo quan điểm của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC chúng ta dễ dàng thấy rõ những cán bộ nào, nhất là những người đã bị kỷ luật, không thể tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trong phiên họp đầu tiên, ngày 04/02/2013, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Thành viên ban chỉ đạo phải là tấm gương về giữ gìn đạo đức, lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào”. Tại Hội nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 16/01/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà “tay đã nhúng chàm” thì không thể chống được tham nhũng”. Sáng 11-10-2017 trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khoá XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Đề nghị từng Ủy viên BCH Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa!”. Gần đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm PCTNTC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy kinh nghiệm dân gian để nhắc nhở những cán bộ lãnh đạo, quản lý cần “Tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”. Tổng Bí thư đã nhiều lần nói phải lựa chọn những đồng chí thực sự tiêu biểu, gương mẫu, có tinh thần đấu tranh PCTNTC để tham gia ban chỉ đạo. Đây là tiêu chuẩn phải là số một, không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, trong sạch, liêm khiết. Ngoài ra, trong thời gian qua Đảng ta đã có nhiều quy chế, quy định về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm… Chính vì vậy, lẽ nào cấp ủy cấp tỉnh trực thuộc Trung ương lại không hiểu thế nào là “cán bộ nhúng chàm” cũng như 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển hóa, tự diễn biến và thế nào là những hiện tượng tiêu cực mà để cán bộ bị kỷ luật tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh về TNTC?
Một trong những mối quan tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây là chống TNTC ngay trong các cơ quan PCTNTC. Do đó, đối tượng cần thường xuyên rà soát là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc cơ cấu, kể cả người đứng đầu cấp ủy, đã tham gia trong ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Dân gian thường có câu “Sông có khúc, người có lúc”, “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Mặc dù các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cấp tỉnh, đã hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định và được tín nhiệm của đại hội đảng bộ hơn một năm trước đây, được bầu vào cấp ủy, sắp xếp vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Nhưng cũng không loại trừ những đồng chí có sai phạm nhưng chưa bị phát hiện. Chỉ vì một phút lơi là không giữ được mình, để cho chủ nghĩa cá nhân, sự ham muốn trong mình trỗi dậy hay “cái kim trong bọc” lâu ngày bây giờ mới “lòi ra” thì cũng phải thường xuyên xem xét, xử lý nghiêm mình. Những cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc cơ cấu và đã tham gia vào ban chỉ đạo mà sau đó mới phát hiện vi phạm kỷ luật thì dứt khoát phải xử lý, phải đưa ra khỏi ban chỉ đạo vì không còn đủ uy tín để lãnh đạo, chỉ đạo công tác quan trọng này. Những trường hợp như vậy, dù ở cương vị nào cũng không có lý do chần chừ, không đưa ra khỏi hàng ngũ những người PCTNTC.
Một trong những khó khăn bấy lâu nay cản trở công tác phát hiện dấu hiệu vi phạm, rà soát những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ lãnh đạo, quản lý và trong thành viên ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên quyết liệt dưới tê liệt”, “dĩ hòa vi quý” “bệnh thành tích”, tư tưởng cục bộ địa phương, bao che, giấu giếm vi phạm khuyết điểm, vi phạm kỷ luật trong đấu tranh PCTNTC còn khá phổ biến ở nhiều nơi. Trong thời gian qua, ở địa phương còn thiếu quy định về cơ chế, về trách nhiệm, ràng buộc người đứng đầu cấp ủy đảng các tỉnh, thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo PCTNTC. Ở không ít địa phương còn phổ biến tình trạng thiếu kiên quyết, chậm tự phát hiện, chậm xử lý dứt điểm các dấu hiệu TNTC. Tình trạng chưa có sự tham gia của đông đảo quần chúng, nhân dân, các cơ quan dân cử, các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương trong việc tự phát hiện, tố giác những biểu hiện TNTC… Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2-6-2022 “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong công tác PCTNTC, tạo ra sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ về sự lãnh đạo của Đảng, về tổ chức, bộ máy, trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế hoạt động, sự thông suốt từ Trung ương tới địa phương. Một trong những bài học quý mà đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh trong Hội nghị 10 năm thực hiện PCTNTC vừa qua là: “Sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức đơn vị là chỗ dựa vững chắc, là sự bảo đảm về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn và do đó là nhân tố hàng đầu quyết định thành công trong cuộc đấu tranh PCTNTC”. Đây cũng chính là một yêu cầu rất cao, đồng thời là một thách thức rất lớn đối với các đồng chí bí thư tỉnh, thành ủy, trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC, nhất là phải trở thành tấm gương sáng để cấp dưới noi theo.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức bộ máy, hoạt động và từng thành viên ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC, nhất là tư tưởng cục bộ địa phương, “bệnh thành tích” có rất nhiều việc phải làm. Một trong những yếu tố để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có các thành viên ban chỉ đạo, cần có cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác cán bộ, tiếp thu ý kiến đóng góp, xây dựng của các đoàn thể, tổ chức đại diện cho dân và ý kiến trực tiếp của người dân. Học tập kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, của UBKT Trung ương, của Ban Nội chính Trung ương, sau mỗi kỳ họp ban chỉ đạo PCTNTC của tỉnh, của UBKT tỉnh ủy, cần họp báo thông tin thường xuyên để báo chí địa phương, các trang thông tin điện tử, công khai, cung cấp những thông tin, kết luận, điều tra, xử lý những vụ, việc, vụ án tiêu tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật; tránh tình trạng che giấu, bưng bít thông tin. Báo chí địa phương chính là “hàn thử biểu” cần trở thành cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền, ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh với quần chúng, nhân dân trong việc phát hiện, tố cáo những hiện tượng TNTC; thực hiện dân chủ, công khai, quyền được thông tin của người dân. Tạo nên phong trào toàn dân, cả hệ thống chính trị tham gia PCTNTC.
Hiện nay, Đảng đã có quy định, tạo cơ hội, khuyến khích, bảo vệ cho những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Học tập kinh nghiệm của Trung ương, UBKT cấp ủy địa phương có vị trí cực kỳ quan trọng trong rà soát, phát hiện, kiểm tra, giám sát những dấu hiệu vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Trong “Trường hợp UBKT có ý kiến khác với ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy thì UBKT phải chấp hành kết luận, quyết định của ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy, đồng thời báo cáo UBKT cấp trên. Trường hợp UBKT cấp trên có ý kiến khác với ban thường vụ, cấp ủy cấp dưới thì báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định. Trường hợp UBKT Trung ương có ý kiến khác với tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương thì báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị xem xét, quyết định (Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của BCH Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng). Đồng thời, ban chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC. Trường hợp ý kiến chỉ đạo của ban chỉ đạo cấp tỉnh khác với ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương trong việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thì các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương; ban chỉ đạo cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đầy đủ việc phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc với Ban Chỉ đạo Trung ương” (Quy định số 67 của Ban Bí thư về ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC). Đây là những ràng buộc trách nhiệm của ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC đối với Trung ương, không thể che đậy, giấu giếm, trốn tránh trách nhiệm.
Kịp thời bổ sung
Việc thường xuyên rà soát, củng cố ban chỉ đạo, đưa ra khỏi ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ cấu ban chỉ đạo liên quan chặt chẽ với công tác kiện toàn, bổ sung thành viên ban chỉ đạo cấp tỉnh. Cần thực hiện cơ chế “động”, không “đóng đinh một chỗ” trong công tác cán bộ, là biện chứng của sự phát triển: “Có lên có xuống”, “có vào, có ra”. Vấn đề quan trọng này nằm trong các phương án nhân sự của các tỉnh, thành uỷ. Cần chủ động, không để đứt quãng và những khoảng trống nhân sự trong cơ quan PCTNTC ở địa phương.
Việc bổ sung thành viên ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh cần dứt khoát tuân thủ, quán triệt sâu sắc các quy định, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ cũng như của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và những quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác này: “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà “tay đã nhúng chàm” thì không thể chống được tham nhũng”; “Không vì cơ cấu mà coi nhẹ sự gương mẫu, trong sạch, liêm khiết”… Hiện nay, trong Đảng có rất nhiều cán bộ, đảng viên đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực, tài ba và uy tín trước dân. Chính vì vậy, cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát cán bộ, có những phương án thay thế những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, vi phạm kỷ luật, bổ sung nhân sự ban chỉ đạo khi cần thiết, không bị động, bất ngờ.
Muốn có các phương án bổ sung chủ động, kịp thời, một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng là thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trong cấp ủy, trong ban chỉ đạo. Thực hiện “tự soi, tự sửa”, trên cơ sở đó, phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm của các thành viên ban chỉ đạo. Cán bộ nào cảm thấy áp lực, cảm thấy thấy khó khăn, sức ép hay gò bó thì tự nguyện cho rút khỏi danh sách ban chỉ đạo. Đồng thời, cấp ủy mạnh dạn đề bạt, bổ sung những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung bổ sung ban chỉ đạo.
Đối với Trung ương, trên cơ sở theo dõi, rà soát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, dư luận của quần chúng, nhân dân ở địa phương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thể điều động, luân chuyển những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đủ tiêu chuẩn, uy tín tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ cấu, bổ sung vào ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC.
Theo XDĐ