18 tuổi, Nghĩa đi cải tạo lần đầu. 23 tuổi, anh ngồi tù 4 năm 3 tháng vì tội cướp giật tài sản. Những lần nhìn mẹ khóc khi thăm nuôi, Nghĩa ân hận, nhận ra chỉ gia đình mới luôn ở bên anh.
Vết trượt dài “Tôi đã từng rất tiếc khi tuổi trẻ đã làm những chuyện bồng bột khiến bản thân mang lý lịch xấu. Nhưng may mắn, tôi còn có gia đình luôn ở bên, luôn tin tưởng và đang chứng kiến hành trình tôi trở lại con đường lương thiện”, Nguyễn Trọng Nghĩa, 30 tuổi, chia sẻ trong khi đang sửa xe cho khách một buổi trưa tháng 6 nắng nóng.
Ở tuổi 30, Nghĩa giờ là ông chủ và là thợ giỏi trong tiệm sửa xe máy của mình trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Cửa tiệm nhỏ, chừng hơn 30m2, ở mặt tiền đường còn có thêm hai thợ phụ, xe chờ sửa chật kín. Ít ai biết rằng, chàng trai có vóc dáng nhỏ con, miệng luôn nở nụ cười này từng hai lần vào tù.
Trọng Nghĩa là con út trong gia đình có ba anh em. Lúc Nghĩa còn nhỏ, cha anh thường xuyên bị bệnh, anh cả cũng thường lên cơn động kinh nên gánh nặng đè vai người mẹ và chị gái của Nghĩa.
Vừa mải lo mưu sinh, lo cho chồng và con bệnh nên nhiều lúc mẹ Nghĩa đã để anh lọt khỏi vòng tay của gia đình. Lên lớp 4, Nghĩa bỏ học. Dù sau đó được mẹ xin cho học nghề sửa xe nhưng anh không chú tâm. Càng lớn, Nghĩa càng thích tụ tập bạn bè, đua đòi.
“Nghĩa là con út nên phần nào được cả nhà cưng chiều. Vì gia đình không có ai theo sát và kèm cặp em nên khi lỡ theo bạn bè xấu thì không dứt ra được. Đêm nào mẹ tôi cũng khóc vì không thể khuyên can Nghĩa”, chị Nguyễn Nhung, 34 tuổi, chị gái của Nghĩa chia sẻ.
Nhưng hoàn cảnh khó khăn của gia đình vẫn chưa làm cậu trai dừng bước, tiếp tục những bước trượt dài. Năm 14 tuổi, cậu đánh người gây thương tích phải vào trại giáo dưỡng. Năm 23 tuổi, Nghĩa thực hiện một vụ cướp và lãnh án tù hơn 4 năm.
Kết thúc phiên tòa xét xử lưu động, bà Nguyễn Thị Duyên, 67 tuổi, mẹ Nghĩa không hề trách mắng con mà chỉ khóc và dặn dò: “Con phải biết nhận ra lỗi lầm và cố gắng cải tạo tốt để sớm được về nhà”.
Trong suốt thời gian thi hành án, mỗi tháng bà Duyên lại gói ghém tiền bạc có được từ gánh cháo vỉa hè để thăm nuôi Nghĩa. Lần nào đi thăm con người mẹ cũng khóc. Giọt nước mắt của mẹ khiến Nghĩa nhìn lại những việc mình đã làm.
“Mỗi lần thấy mẹ, tôi lại mong thời gian tù tội trôi nhanh để được về nhà. Tôi đã nghĩ đến việc tiếp tục phát triển nghề sửa xe máy đã bỏ dở thời gian trước đó. Nếu có tay nghề vững và mở được tiệm, tôi nghĩ mình sẽ có tiền lo cho gia đình”, Nghĩa suy tính.
Nhưng mọi thứ không dễ dàng như anh nghĩ.
Gian nan đường quay đầu Năm 2019, sau khi được về nhà, trong tay không vốn liếng, không tự tin vào tay nghề, giấc mơ mở tiệm sửa xe của Nghĩa không thành. Anh bắt đầu điền hồ sơ đi xin việc nhưng do không có bằng cấp, lại mang “lý lịch xấu”, ở đâu chàng trai cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. May mắn, anh xin được một chân giao hàng buổi tối, ban ngày xin học lại nghề sửa xe. Sau đó, Nghĩa nhận xe của khách về nhà sửa, tiền công gửi hết cho mẹ. Nhưng căn nhà nhỏ của gia đình nằm sâu trong hẻm, việc sửa xe khiến hàng xóm phàn nàn. Từ đó, ước muốn có một tiệm riêng lại trỗi dậy. Gia đình chẳng có nổi vài chục triệu giúp anh khởi nghiệp nên mẹ Nghĩa gõ cửa cán bộ phường nhờ hỗ trợ. Anh Hoàng Anh Giang, Phó bí thư Đoàn phường 14 cho biết: “Anh Nghĩa được Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên phường hỗ trợ để vay 80 triệu đồng qua ngân hàng chính sách xã hội mở tiệm sửa xe. Nhờ chăm chỉ lao động và phấn đấu, anh ấy được nhận giấy khen thanh niên tiên tiến của quận và phường”.
Từ những ngày đầu vắng khách nay Nghĩa phải thức tới 1 -2h sáng giao hàng để bù tiền mặt bằng. Giờ đây, Nghĩa làm cùng 2 thợ phụ nhưng vẫn không đáp ứng xuể nhu cầu khách hàng. Chàng trai còn nhận dạy nghề sửa xe miễn phí cho bất cứ ai muốn học.
“Kiếm được tiền bằng chính tay nghề của mình và giúp đỡ gia đình là điều mà thời trẻ bồng bột tôi không nghĩ tới. May mắn, tôi còn thời gian để làm việc, để sửa chữa sai lầm, để chứng tỏ với gia đình và xã hội rằng dù có từng gây ra lỗi lầm nhưng vẫn có thể quay đầu làm một công dân tốt”, Nghĩa nói.
Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn