Ký ức về những tháng ngày lịch sử hào hùng rất đỗi thiêng liêng ấy mãi in đậm trong tâm trí ông và những người cùng thế hệ.
Dù tuổi đã cao, ông Trần Văn Nhẫn luôn quan tâm, dõi theo sự phát triển của tỉnh nhà. Ảnh: N.M
Mùa xuân của độc lập, thống nhất
20 giờ ngày 31.3.1975, đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30 và Đ20 đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch, giải phóng TX Quy Nhơn và toàn tỉnh, góp phần cùng với cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
● Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4.1975 lịch sử ấy hẳn vẫn còn in đậm trong ký ức của ông?
– Tháng ngày hối hả, thoáng chốc đã 49 năm trôi qua tính từ ngày giải phóng Quy Nhơn- Bình Định. Những tháng ngày ấy, tôi (bí danh Thanh Hà) được Ủy ban Thống nhất Trung ương điều động về công tác tại tỉnh nhà theo đề nghị của cơ quan chủ quản – Tổng cục Bưu điện.
Cuối tháng 2.1975, tôi đang công tác tại Ty Bưu điện Truyền thanh tỉnh Lạng Sơn thì nhận được công điện của Tổng cục Bưu điện với nội dung: “Sắp xếp công việc, chuẩn bị bàn giao, về Nam công tác theo yêu cầu của chiến trường”.
Sáng ngày 2.4.1975, tôi lên đường đi theo cung trạm đã được bố trí trên hành lang đường Trường Sơn. Xe vượt qua cầu Hiền Lương đến TX Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) rồi đến TP Huế (Thừa Thiên Huế) vừa mới được giải phóng. Sáng ngày 7.4.1975, chúng tôi nhận được công điện của Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.
Đoàn chúng tôi vào Đà Nẵng, thẳng tiến Hội An (tỉnh Quảng Nam) và làm việc với Ban Bưu điện Liên khu 5 (cơ quan tham mưu của Liên khu ủy 5), sau đó đi tiếp về Bình Định để nhận nhiệm vụ mới.
Tinh thần “thần tốc”, “quyết chiến, quyết thắng” từ bức điện lịch sử, giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất lan tỏa trên những vùng đất mà đoàn chúng tôi đã đi qua, kéo dài về đến tận quê hương Bình Định. Với tôi, việc được trở về với quê hương đúng trong thời khắc đầy ý nghĩa này là một cơ may ít người có được.
● Rời quê hương ra Bắc khi mới 20 tuổi, ngày trở về, chắc hẳn ông đã có những cuộc hạnh ngộ đầy xúc động giữa hòa bình?
– Trên đường hành quân tiến từ Hoài Nhơn về Quy Nhơn, lòng tôi cảm thấy nao nao lạ thường. Khi hình ảnh núi Mò O, tháp Phú Lốc hiện dần trước mắt, những kỷ niệm thân thương thời niên thiếu, lúc còn đi học ở trường Hòa Bình (An Nhơn) ùa về.
Tôi tranh thủ tạt qua thăm người thân tại xã Cát Tân, huyện Phù Cát. Biết tin tôi về, các anh, các chị, các cháu và bà con xóm giềng hết sức mừng rỡ, kéo nhau về thăm càng lúc càng đông vì tôi là cán bộ tập kết về thăm quê chỉ mấy ngày sau khi quê hương giải phóng. Xúc động nhất là chị Bốn Huệ đầu tóc bạc phơ, má hóp, chân run vẫn băng qua cánh đồng từ thôn Kiều Đông, chạy về ôm lấy tôi mừng rỡ. Những đôi mắt già nheo nheo lại, long lanh ngấn lệ. Mắt tôi cũng cay cay, xúc động…
Những cảm xúc đó đã được tôt đúc kết thành mấy câu thơ trong hồi ký của mình: “Bao năm tháng đợi chờ ngày thống nhất/ Bao rạo rực mừng vui ngày gặp mặt/ Với đồng bào, đồng chí, anh em/ Xúc động nhất khi gặp lại người thân/ Câu chuyện hàn huyên, xa cách bấy năm trường…”.
● Và, chúng ta gọi đó là chiến thắng của mùa Xuân…
– Trong những ngày tháng ấy, tôi chợt nhớ lại lời tiên đoán của Bác Hồ trong bài thơ Chúc tết xuân 1969: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Như lời của Bác, mùa xuân đại thắng đã đến. Mùa xuân của đất trời quyện với mùa xuân của lòng người. Mùa xuân của sum họp Bắc – Nam, của đoàn tụ gia đình, con gặp cha, mẹ gặp con, anh gặp em, người người hội ngộ, nhà nhà tái hợp.
Nhưng có được ngày chiến thắng hôm nay, cùng với niềm vui chung của đông đảo bà con, còn có nỗi buồn khôn nguôi của bao gia đình liệt sĩ. Bao người đã ngã xuống trên chiến trường, bao anh chị em thương bệnh binh cam chịu thương tật suốt đời vì cuộc sống hôm nay, vì nền độc lập dân tộc của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, các thế hệ đương thời và mai sau trọn đời ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển ấy!
Một góc thành phố biển Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Quê hương thay da đổi thịt
Gần 50 năm sau chiến thắng lịch sử, vượt qua trùng điệp những khó khăn sau ngày giải phóng, quê hương Bình Định đã đổi thay, phát triển, vươn lên với tầm vóc và vị thế mới. Những mảnh đất từng hằn sâu vết thương chiến tranh đã từng bước thay da đổi thịt. Vóc dáng hiện đại, to đẹp đã hiển hiện trên từng con đường, mái nhà, khu dân cư…
● Ông có cảm nhận gì về những đổi thay của quê hương sau gần nửa thế kỷ?
– Từ chỗ đứng hôm nay, nhìn lại chặng đường 49 năm qua, nhất là trong 40 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chính quyền, Mặt trận, quân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Bao công trình nhà máy, khu công nghiệp, đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện, khách sạn… đã lần lượt mọc lên. Bộ mặt quê hương thay da đổi thịt từng ngày, từ thành thị đến nông thôn, đời sống nhân dân ngày một cải thiện.
● Trong sự phát triển chung ấy, ông tâm đắc nhất điều gì?
– Tôi đặc biệt quan tâm, dõi theo việc thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Trong đó, về công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính, tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột phá. Đến hết năm 2023, kết quả chỉ số phục vụ người dân, DN trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của Bình Định đạt 90,74 điểm, xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương duy nhất thuộc nhóm Xuất sắc vì có số điểm đạt trên 90.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nổi bật nhất là phát triển hạ tầng giao thông kết hợp đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không và hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo thành 3 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc – Nam (theo QL 1), hành lang kinh tế biển (theo tỉnh lộ 639), hành lang kinh tế Đông – Tây (theo QL 19).
Tỉnh cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực – khâu đột phá có vai trò quan trọng hàng đầu. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác cán bộ trong hệ thống chính trị, từ tỉnh đến các xã, phường.
Cùng với sự phát triển kinh tế, Bình Định luôn coi trọng đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống, phúc lợi xã hội cho nhân dân, nhất là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Kỳ vọng về các dự án mang tính động lực
Dù tuổi đã cao, ông Trần Văn Nhẫn luôn quan tâm, dõi theo sự phát triển của tỉnh nhà, sẵn sàng đồng hành, đóng góp những ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng mỗi khi có cơ hội. Trái tim và khối óc của vị nguyên lãnh đạo tỉnh đã 90 tuổi đời với 65 năm tuổi Đảng thường xuyên trăn trở về quê hương.
● Kỳ vọng của ông dành cho quê hương Bình Định trong những năm tới là gì, thưa ông?
– Để thực hiện bằng được những mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, theo tôi, tỉnh cần tập trung tháo gỡ một vấn đề quan trọng mà thế hệ lãnh đạo các nhiệm kỳ trước đã từng trăn trở. Đó là chưa có được dự án đầu tư FDI lớn nhằm tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Điều đáng mừng là gần đây các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chủ động đến nhiều nước trên thế giới, tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư – thương mại tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất…
Tôi hy vọng năm 2024 – 2025 và một số năm tiếp theo, sẽ có các nhà đầu tư tầm cỡ đặt chân đến Bình Định, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân.
● Xin cảm ơn ông! Chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng quê hương trong chặng đường tiếp theo!
Nguồn Báo Bình Định
Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn tổng hợp