Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí – Giá trị lớn cho hiện tại và tương lai

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều lần, trong các bài viết, bài nói chuyện, Người đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức chú ý đến việc phòng, chống xa hoa, lãng phí, sử dụng hợp lý và hiệu quả tiền của, thời gian, công sức. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm chính là phẩm chất của người cách mạng, đã là người cách mạng thì phải thường xuyên thực hành và nêu gương cần, kiệm, phòng, chống lãng phí. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Người cũng không tán đồng cách hiểu và thực hành tiết kiệm một cách cực đoan. Tiết kiệm không đồng nghĩa với keo kiệt, bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu”. Người nêu rõ tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian, sức người, sức của, tập trung nguồn lực cho sản xuất thì sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, thúc đẩy xã hội phát triển. Người người cùng tiết kiệm, nhà nhà cùng tiết kiệm thì sẽ tích lũy được của cải cho công cuộc kiến quốc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. 

Trái ngược với tiết kiệm là lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích tác hại của thói lãng phí. Người chỉ rõ “Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. Bởi vì tham ô có thể chỉ tập trung ở một số ít người, nhưng lãng phí thì rất phổ biến, ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này, lãng phí của công và lãng phí của tư đều có khả năng làm suy giảm nguồn lực xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nguồn gốc của lãng phí: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa”. “Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ: “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”. Người cho rằng lãng phí là một thứ giặc mà chúng ta phải đương đầu, phải kiên quyết đấu tranh để loại bỏ. “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy”. 

Không chỉ phê phán thói lãng phí, kêu gọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân tích cực, hăng hái thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Từ bữa ăn, tấm áo cho đến công việc của Đảng, của đất nước, Người luôn giản dị, tiết kiệm, khiêm nhường; một đời tận hiến, phụng sự cho Tổ quốc, cho nhân dân. Trong Di chúc (năm 1969), Người căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang trong quá trình phát triển nhanh và hội nhập sâu rộng, thì việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí càng trở nên cấp thiết. Tình trạng lãng phí nguồn lực, đầu tư dàn trải, sử dụng tài sản công không hiệu quả… vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lối sống tiết kiệm và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức là yêu cầu cấp bách.

Thực hành tiết kiệm không có nghĩa là bóp chặt chi tiêu một cách máy móc, mà phải là tiết kiệm hợp lý, hiệu quả. Phòng chống lãng phí cũng không dừng lại ở việc tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm… mà còn phải là việc sử dụng hiệu quả thời gian, nhân lực, ngân sách, và đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên – những tài sản không thể tái tạo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí là một di sản quý báu của dân tộc. Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện đại, giàu mạnh và văn minh, tư tưởng ấy vẫn luôn là kim chỉ nam cho hành động. Học tập Bác, mỗi chúng ta cần nuôi dưỡng tinh thần tiết kiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và xã hội trong việc sử dụng tài nguyên, của cải một cách hợp lý – vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam cần không ngừng rèn luyện, thực hành tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày đến những chính sách lớn của quốc gia. Đó chính là hành động thiết thực để xây dựng một xã hội phát triển hài hòa, công bằng, văn minh và thịnh vượng.

H.V.Huy 

Trả lời