Đam mê nghiên cứu cây giống, mạnh dạn tiên phong trồng thử nghiệm, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra, đến nay mô hình trồng 10 sào cây sả chanh của anh Trần Văn Minh thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định so với một số cây trồng đặc trưng khác tại địa phương, cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.
Theo sự giới thiệu của xã đoàn Tây Thuận, chúng tôi đến thăm vườn sả chanh của anh Minh. Được biết anh Minh là người đầu tiên trên địa bàn xã trồng sả với diện tích khá lớn. Vốn xuất thân là con nhà nông quanh năm bận rộn với ruộng đồng nhưng nguồn thu nhập lại không xứng đáng với công sức bỏ ra nên anh Minh luôn ấp ủ làm giàu bằng một loại cây trồng mới cho năng suất chất lượng cao hơn các cây trồng cũ tại địa phương. Nghĩ đi đôi với làm, cộng với sự nhiệt huyết của sức trẻ, anh đầu tư thời gian tham khảo và học hỏi các phương pháp trồng, chăm sóc nhiều loại cây trồng khác nhau. Qua quá trình dày công tìm hiểu, nhận thấy cây sả có khả năng thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt tại địa phương, cuối năm 2019, anh sử dụng 2 sào đất trồng mỳ kém hiệu quả của gia đình để trồng thử nghiệm. Bước đầu cây sả phát triển rất tốt, cho năng suất đạt khá mặc dù được trồng trong điều kiện thời tiết khô hạn. Tự tin vào những kết quả đạt được, anh quyết định thuê thêm 8 sào đất của các hộ liền kề để mở rộng thêm diện tích trồng cây sả, đồng thời chủ động tìm kiếm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Tham quan mô hình, chúng tôi nhận thấy các khu vực đất được anh phân chia rất khoa học theo từng giai đoạn phát triển của cây sả thông qua phương pháp trồng gối vụ, nhờ đó giúp anh thu hoạch sả quanh năm. Anh Minh chia sẻ:“ Trong thời gian qua, tôi nhận thấy việc trồng cây mỳ, mía kém hiệu quả, giá cả lại bấp bênh, nắng hạn chết nên tôi mạnh dạn trồng cây sả, giống sả chanh..Cây sả thu hoạch 2 lần/năm, năng suất đạt 800 kg/sào, với giá bán giao động từ 9.000 đồng đến 10.000đ/kg, trừ chi phí, mỗi sào có lãi từ 10 đến 11 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 2 lần so trồng mỳ. Sả thương phẩm được tôi đem bỏ mối trực tiếp tại các chợ ở Bình Định, thị xã An Khê tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi…hiện các con buôn lái đang chuộng giống sả này vì ăn rất mềm, thơm, ngon”.
Bà Phạm Thị Hải, PBT xã đoàn Tây Thuận cho biết:“Hiện tại câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi của xã đoàn Tây Thuận đã có rất nhiều mô hình mang lại hiệu quả. Tiêu biểu trong số đó là mô hình trồng 10 sào cây sả chanh của anh Trần Văn Minh. Đây là mô hình kinh tế chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, xã đoàn đã thường xuyên tổ chức cho các thành viên CLB và thanh niên tiêu biểu tham quan thực tế các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời xã đoàn còn là cầu nối với ngân hàng CSXH mang nguồn vốn tiếp sức cho thanh niên phát triển kinh tế. Từ mô hình của anh Minh xã đoàn mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều thanh niên dám nghĩ dám làm, xây dựng phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương cùng góp phần xây dựng tổ chức đoàn ngày càng vững mạnh”.
Úc Ly – Uỷ ban Hội LHTN xã Tây Thuận