Tình yêu vốn là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân. Thế nhưng chính cách hành xử lệch chuẩn đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay khiến mọi người không khỏi hoang mang, lo lắng…
Những chuyện lùm xùm… hậu chia tay
“M. là thằng mất dạy, không hiểu sao lúc trước tao quen được nó vậy trời”, nếu không nghe lõm được hết đầu đuôi câu chuyện chắc ít ai nghĩ rằng những từ ngữ mà cô nữ sinh kia vừa phát ra là dành cho… người yêu cũ. Chạm mặt nhau tại một quán nước, thay vì chào hỏi nhau, đôi bạn trẻ lại làm lơ, sau khi chàng trai vừa bước ra khỏi quán thì bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu được dịp trút ra. Cô bạn vô tư kể xấu người yêu cũ trước mặt bạn bè mình.
Những hành vi ứng xử “lệch chuẩn” trong tình yêu của giới trẻ có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho bạn trẻ. Ảnh minh họa: T.L |
Chấm dứt tình yêu kéo theo cả sự thù hằn như thế không phải là chuyện hiếm gặp. Thời gian qua, rất nhiều vụ việc tiêu cực trong cách ứng xử của giới trẻ hậu chia tay khiến mọi người ái ngại. Từ vụ một chàng trai đòi lại quà sau khi chia tay người yêu, đến chuyện một cô gái lên mạng chỉ trích người yêu đi hẹn hò mà chỉ mang theo 100k (100 ngàn đồng), rồi vụ nữ sinh Bình Dương bị tung “ảnh nóng” sau khi chia tay người yêu, một cô gái ở Đà Nẵng bị một thanh niên tẩm xăng đốt vì từ chối tình cảm… Ngay tại Bạc Liêu, dù rằng mức độ các vụ việc không đến mức nghiêm trọng, nhưng thực tế cũng đã xảy ra không ít trường hợp ứng xử thiếu văn hóa. Sau nhiều lần níu kéo người yêu quay lại nhưng bất thành, chàng sinh viên tên N. đã đến nhà người yêu chửi mắng, đập phá tài sản bất chấp sự can ngăn của gia đình cô gái. Mọi việc chỉ dừng lại khi có sự vào cuộc can thiệp của công an phường. Không dừng lại ở đó, N. tiếp tục “khủng bố” người yêu cũ bằng những tin nhắn “sặc mùi” đe dọa, thô tục. Hễ gặp bạn bè của cô, N. nói xấu không tiếc lời. Một trường hợp khác, chàng trai này là một công chức Nhà nước khi biết tin người yêu cũ sắp lấy chồng thì ra sức “khủng bố” tin nhắn, đe dọa sẽ phá hủy đám cưới của cô gái…
Cần ứng xử có văn hóa
Chuyện hậu chia tay của những cuộc tình không phải lúc nào cũng êm đẹp, nhưng điều lo ngại chính là cách ứng xử manh động, thiếu suy nghĩ của những người trong cuộc. Mặc dù dư luận kịch liệt lên án những hành vi bạo lực trong cách ứng xử của một bộ phận thanh niên, nhưng điều đáng nói là nhiều sự vụ vẫn liên tiếp xảy ra. Một vấn đề khác khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi đau đầu đó là tình trạng “yêu sớm” đang phổ biến tại các trường học. Tuy nhiên, tình yêu tuổi học trò ngày nay không dừng lại ở ánh mắt thẹn thùng, cái nắm tay e ấp, mà ít nhiều đã “biến tướng”. Đặc biệt là cách suy nghĩ bồng bột, thiếu hiểu biết về pháp luật của các bạn trẻ dẫn đến những sự vụ đau lòng như: tung clip sex, tung ảnh nhạy cảm… Điều này không chỉ xúc phạm đến nhân phẩm của người khác, mà còn tự “bôi nhọ” danh dự của bản thân. Trong rất nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua có các đối tượng là thanh niên công chức, học sinh, sinh viên – những người được tiếp xúc trong môi trường giáo dục học tập tốt nhất, nhưng cách ứng xử lại lệch lạc với những chuẩn mực đạo đức.
Đã gọi là tình yêu thì sẽ không có sự tồn tại của bạo lực. Nếu thật lòng yêu ai đó, bạn sẽ không nỡ làm họ tổn thương mặc dù chỉ là lời nói. Đằng này, không ít người sẵn sàng hạ danh dự, nhân phẩm, thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác, rồi sau đó viện lý do vì… tình yêu để bào chữa cho hành vi sai trái của mình. Liệu đó có phải là tình yêu hay chỉ là sự ích kỷ, mù quáng? Phải chăng chúng ta đã quá đề cao cái tôi cá nhân, dung dưỡng sự ích kỷ mà thiếu sự chia sẻ, thương yêu? Vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong việc giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ là vô cùng quan trọng. Những vụ việc tiêu cực liên quan đến đời sống của giới trẻ nói chung, hành vi ứng xử “lệch chuẩn” trong tình yêu nói riêng thời gian qua có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc giáo dục thiên lệch về kiến thức mà chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống.
Ban Tuyên giáo sưu tầm