Để duy trì tính bền vững của các câu lạc bộ, những lớp dạy cồng chiêng do những nghệ nhân trong làng chỉ dạy như thế này đã được mở thường xuyên. Bên cạnh đó, huyện đoàn cũng phối hợp cùng trung tâm văn hóa huyện và các già làng sưu tầm những bài chiêng cổ để hướng dẫn lại cho các bạn trẻ.
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Vân Canh, như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả sự kiện quan trọng của cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng lại bao gồm các bộ phận như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội sử dụng cồng chiêng và cả những địa điểm tổ chức các lễ hội đó… Vì thế cách làm huy động lực lượng đoàn viên thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc sẽ góp phần tăng tính bền vững trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thông qua hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã hình thành và xây dựng được các đội cồng chiêng chất lượng. Đây cũng chính là giải pháp hiệu quả để đoàn viên thanh niên tham gia gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc, cổ vũ, khích lệ các em tích cực bảo vệ văn hoá dân tộc mình.
Ngày nay, mặc dù xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình giải trí dành cho giới trẻ song với sự nỗ lực của tổ chức Đoàn cũng như tình yêu đối với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, cồng chiêng vẫn luôn giữ được vị trí quan trọng và được nhiều bạn trẻ yêu thích và gìn giữ theo cách riêng của mình.