Vận dụng và phát triển sáng tạo, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm học sinh Trường Hy Vọng Đà Nẵng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được hình thành và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ: Chủ nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam, nơi mà các giá trị nhân đạo, tình thương, công bằng và bình đẳng được coi trọng. Đặc biệt là tư tưởng về tự do, độc lập đã được thể hiện đậm nét qua lịch sử đấu tranh chống áp bức và xâm lược của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, qua quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy rằng quyền con người không chỉ là vấn đề của từng cá nhân, mà còn gắn liền với quyền tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia dân tộc. Người đã nhận thức sâu sắc rằng chỉ khi một dân tộc giành được độc lập, người dân mới thực sự có được các quyền cơ bản; Triết lý và tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về giải phóng con người và xã hội không có áp bức, bóc lột; Các giá trị tư tưởng tiến bộ của nhân loại: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu giá trị phổ quát về quyền con người từ các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, đặc biệt là từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, các tư tưởng tiến bộ khác của nhân loại và Người đã vận dụng một cách sáng tạo giá trị phổ quát này vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; Kinh nghiệm sống và hoạt động thực tiễn: Trong quá trình bôn ba ở nhiều quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự bất công và mất tự do của nhiều dân tộc, đặc biệt là nhân dân Việt Nam. Trải nghiệm thực tế này đã củng cố tư tưởng của Người về sự cần thiết của việc giải phóng nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới khỏi áp bức, bất công, đấu tranh cho sự bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người. Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người mang đậm tính nhân văn, phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, có giá trị thời đại và vượt thời đại.

Kể từ khi thành lập, Đảng ta luôn khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động, phải được nắm vững, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn nhằm “góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về giải phóng con người, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo nguyên tắc quyền độc lập, tự do, hạnh phúc trên cơ sở gắn kết truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại, như tư tưởng của lãnh tụ V. I. Lê-nin về quyền dân tộc tự quyết dưới mô hình chủ nghĩa xã hội thời Xô-viết; giá trị tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng tư sản Pháp (năm 1789); học thuyết “Tam dân” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của nhà yêu nước Trung Quốc Tôn Trung Sơn; giá trị phổ quát về quyền con người từ góc độ pháp luật và thông lệ quốc tế,…, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Trong đó, nội dung cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được thể hiện ở các khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội là chế độ tốt nhất bảo đảm quyền con người cho mọi người trên đất nước Việt Nam, rằng “có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”. Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta mang bản chất xã hội hiện thực do con người, vì con người; đề cao giá trị tự do, ấm no, hạnh phúc; kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, tập thể với lợi ích xã hội; giải quyết thỏa đáng giữa cống hiến và hưởng thụ; có trình độ đạo đức nhân văn cao cả nhất, thể hiện khát vọng của nhân loại nói chung, dân tộc và nhân dân Việt Nam nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa xã hội là nơi sẽ “đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”, bởi vì trong chế độ cộng sản “ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức”. Trên tinh thần đó, Người dành nhiều tâm huyết chuẩn bị toàn diện, đầy đủ cho sự ra đời của một xã hội mới, đầy tươi đẹp, tiến bộ, văn minh, nơi mà ở đó nhân dân ta thực sự được giải phóng toàn diện và có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần. Bởi theo Người: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” và “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”

Thứ hai, bản chất cốt lõi của quyền con người luôn gắn với “độc lập – tự do – hạnh phúc”, gắn với quyền dân tộc, giai cấp, bởi vì để giành được quyền con người “là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”. Thực tiễn lịch sử cho thấy, khi đất nước bị mất chủ quyền thì quyền con người bị chà đạp nghiêm trọng, cụ thể trong thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chưa có bao giờ ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách độc ác trơ tráo đến thế”; điều kiện tiên quyết để quyền con người được bảo đảm là dân tộc phải có tự do, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Thật vậy, chỉ đến khi Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, nhân dân ta mới thoát khỏi thân phận nô lệ, được hưởng thụ giá trị của độc lập, tự do; từ đây, các quyền công dân lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Đất nước phát triển hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” – biểu hiện cao nhất và cụ thể nhất của quyền con người, của sự bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Thứ ba, “dân chủ” là yếu tố cơ bản trong xác lập và bảo vệ quyền con người, thể hiện ở quyền là chủ gắn với quyền làm chủ, bởi “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”. Như vậy, nhân dân là chủ thể đích thực của chế độ, nắm chính quyền, bầu đại biểu thay mặt mình điều hành chính quyền ấy và nếu “Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Có thể nói, “dân chủ” là nền tảng để xây dựng hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, gắn với lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia – dân tộc.

Thứ tư, quyền con người phải được bảo đảm ở tất cả giai cấp, tầng lớp xã hội, từ nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số,… trên tinh thần “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”. Bên cạnh đó, quyền con người được thể hiện trên tất cả lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, xã hội, mọi người đều bình đẳng, nam nữ bình quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”. Điều này được thể hiện ở việc mọi công dân đều được tham gia chính quyền, được quyền bầu cử; tự do ngôn luận, xuất bản, tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng và cư trú, đi lại trong nước, nước ngoài; đồng thời, các nhóm yếu thế trong xã hội luôn được hỗ trợ, bảo vệ theo nguyên tắc phân phối công bằng “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”

Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tập trung hoàn thành trách nhiệm ở vị trí “công bộc”, “đày tớ” phục vụ tối đa việc bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Mặt khác, khẳng định sâu sắc hơn quan điểm quyền không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân, rằng “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân” Sách trắng “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam” cũng nhấn mạnh: “các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội”. Ngoài ra, theo Người, cần xác định quyền lợi của dân tộc Việt Nam được bảo đảm trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của các dân tộc khác.

Trả lời