Nghị quyết của Đảng là sự kết tinh tư duy lý luận, được phát triển từ thực tiễn, là ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Để nghị quyết của Đảng là sự thống nhất “ý Đảng hợp với lòng dân”, từng bước thấm sâu vào cuộc sống, thì việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện là việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực; là bài học sâu sắc cho các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Lấy người dân làm trung tâm trong mọi quyết sách chính trị
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân, nên trong tư tưởng chỉ đạo cũng như thực tiễn hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem trọng, đề cao quyền lực, sức mạnh và vai trò làm chủ của nhân dân. Người khẳng định:“Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(1). Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là nguồn gốc sức mạnh, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Điều đó còn khẳng định việc Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo chỉ dẫn của Người: “Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”.
Phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng ta đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội là thông qua cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, “ý Đảng” xuất phát từ “lòng dân”, sức dân là nguồn cội tạo nên những thành tựu quan trọng sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đúc rút bài học kinh nghiệm lớn thứ hai là: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(3). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa(4).
Việc tin vào dân, dựa vào dân, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân luôn là mục tiêu, động lực và là nguyên nhân thắng lợi của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Nghị quyết của Đảng đề ra sự định hướng phát triển đất nước, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thước đo cho sự thành công của một nghị quyết khi được ban hành là giải quyết được thỏa đáng những vấn đề thực tiễn đang bức thiết đặt ra, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá và khả thi trong từng giai đoạn cách mạng, tạo được sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng, thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; cách mạng đem lại những chuyển biến mới về lợi ích vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tháo gỡ được những khó khăn, thách thức, bảo đảm tính ổn định và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trong điều kiện Đảng cầm quyền phải ra sức thực hành dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng nhân dân. Người chỉ rõ, xây dựng nghị quyết phải hết sức thiết thực, không được chủ quan, “không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”(5) vì thế phải “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” (6). Lời di huấn của Người cho thấy, quá trình xây dựng, hoàn thiện một nghị quyết ngoài việc phát huy dân chủ, trí tuệ, sáng kiến của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan tham mưu, thì cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội cần làm tốt công tác phản biện để qua đó các tầng lớp nhân dân góp ý rộng rãi với tinh thần dân chủ, cầu thị, không được xem thường hay định kiến, chống hình thức, qua loa, đại khái; phải lắng nghe, chọn lựa ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân… để đưa vào trong nghị quyết. Một lưu ý quan trọng không kém, việc xây dựng, ban hành nghị quyết phải khoa học, bám sát thực tiễn cuộc sống, tránh trừu tượng, chung chung, khó hiểu, cần cụ thể hóa, khả thi, giải quyết được đúng, trúng vấn đề đặt ra ở từng lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Để nghị quyết “thấm sâu” vào cuộc sống
Do vậy, nhiệm vụ cần làm ngay sau khi nghị quyết của Đảng được ban hành là các cơ quan chức năng kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết đến từng tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Để làm tốt nhiệm vụ này, ban tuyên giáo các cấp căn cứ thực tiễn, kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương triển khai học tập, quán triệt nghị quyết một cách khoa học.
Kinh nghiệm cho thấy, để nghị quyết của Đảng thấm sâu vào cuộc sống, trước hết việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng phải đạt hiệu quả thiết thực, vì thế ở khâu này cần triển khai đúng đối tượng. Theo đó, trước tiên là quán triệt trong ban thường vụ, ban chấp hành, đội ngũ cán bộ chủ chốt, sau đó đến từng tổ chức cơ sở đảng, chi bộ rồi tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Thời gian học tập, quán triệt nghị quyết phải hợp lý, tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu; phương pháp truyền đạt dễ tiếp cận; tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch sau học tập. Trong quá trình học tập, cần dành thời gian để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng thảo luận, tham gia ý kiến bổ sung vào các kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, thực hiện nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Mỗi kế hoạch, chương trình hành động mà tổ chức đảng đưa ra được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, căn cứ mang tính nguyên tắc để đánh giá đúng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đội ngũ báo cáo viên được xem là lực lượng nòng cốt của cấp ủy, có vai trò quan trọng làm cầu nối đưa quan điểm, chủ trương của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Để lực lượng báo cáo viên làm tốt nhiệm vụ quan trọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”(9). Như vậy, mỗi báo cáo viên phải hội đủ phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, được quần chúng tin cậy, có trình độ, nắm vững nội dung cốt lõi của nghị quyết, có kỹ năng truyền đạt, sẵn sàng giải thích, đối thoại và làm rõ những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Báo cáo viên cần phân tích sâu những nội dung nghị quyết cả về cơ sở lý luận, khoa học; đưa ra ví dụ minh họa gắn với thực tiễn; nêu bật ý nghĩa của nghị,….
Trong học tập, nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích mọi người phải “tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”(10). Hiện nay, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, để việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được kịp thời, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, các cấp ủy, tổ chức chính trị – xã hội cần phát huy tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu văn kiện, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và toàn dân; vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp phù hợp với đặc điểm, khả năng của từng cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm vừa bảo đảm học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được kịp thời, đúng quy định, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Để nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn, thì khâu viết bài thu hoạch cũng là vấn đề quan trọng, bởi việc làm này không chỉ thể hiện trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên sau khi tham gia học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng mà còn thể hiện trách nhiệm, nhận thức chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tham gia với cấp ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết ở cấp mình. Trên cương vị công tác thực tiễn của mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(11). Để công tác kiểm tra đạt kết quả thiết thực, Người lưu ý: “Các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng… Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”(12).
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của những cán bộ thực hiện nhiệm vụ này, với sự tinh thông chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, lòng nhiệt tình, tâm trong sáng, sẽ giúp cấp ủy các cấp nhận diện rõ hơn mặt được, chưa được để kịp thời điều chỉnh, định hướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và được tổ chức thực hiện tốt. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết sẽ khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”; khắc phục được bệnh nói và làm không đi đôi với nhau, nói nhiều làm ít, nói thì hay làm thì dở, nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo.
Việc kiểm tra, giám sát giúp công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm lại công việc đạt hiệu quả; phân tích, chỉ ra những thiếu sót, nêu lên những mâu thuẫn cần giải quyết; đề ra phương hướng, mục tiêu, kế hoạch phát triển, nhằm tiếp tục đưa phong trào hành động cách mạng phát triển. Thông qua công tác sơ kết, tổng kết, tự phê bình và phê bình, các cấp ủy đảng kịp thời nhận ra những thiếu sót và đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng chưa phù hợp, biểu dương người tốt, việc tốt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở giúp quán triệt, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thực tiễn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mình./.
Theo Tạp chí Cộng Sản