Học xong THPT, Vinh đăng ký học nghề ở Trường CĐ Nghề Quy Nhơn với mong muốn lâp nghiệp và tìm cơ hội đổi đời ở TP Quy Nhơn. Ra trường, anh làm đủ nghề, từ công nhân đến nhân viên xe buýt…, rồi lập gia đình. Cuộc sống vợ chồng trẻ khá chật vật. 5 năm sống ở thành phố, Vinh quyết định học thêm nghề phun sơn PU rồi trở về quê lập nghiệp.
Thế rồi, năm 2010, khi dành dụm được chút vốn, Vinh quyết định vay mượn thêm và thuê thợ giỏi, mở cơ sở mộc riêng cho mình. Vinh bảo, ba tôi dạy rằng làm nghề phải hết sức cẩn trọng, tính toán thật kỹ, lấy uy tín làm đầu và không bao giờ được nản chí. Vì vậy, tôi cố gắng để sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường, lấy được lòng tin của đối tác bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu. Có như vậy thì mới sống được với nghề.
Cái cách làm nghề của Vinh khác với ba. Để nuôi các con ăn học, ba của Vinh nhận làm thuê khắp nơi. Còn Vinh thì tổ chức sản xuất, tuyển thợ giỏi, trả công xứng đáng để họ làm, còn mình đi khắp nơi tìm khách hàng. Khi đã có mối hàng ổn định, Vinh mày mò học cách sử dụng công nghệ thông tin để thiết kế mẫu mã mới, chào hàng, nhận đơn đặt hàng qua mạng…
Truyền lửa cho thanh niên
Bước vào nghề với biết bao khó khăn thử thách, kinh tế gia đình khó khăn, hầu hết vốn là vay mượn, anh Vinh nỗ lực quay vòng vốn để cơ sở mộc của mình ngày càng phát triển, ổn định cuộc sống gia đình, tạo điều kiện giúp nhiều thanh niên trong xã cùng làm kinh tế. Nếu chỉ tiếp xúc bên ngoài, không ai nghĩ rằng, chàng trai sinh năm 1981 ấy lại là người có “gan” làm giàu và quyết đoán như thế.
Anh chịu khó đi tìm, chọn lọc các loại gỗ chất lượng cao và đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc nhằm giảm bớt các khâu thủ công và tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sắc sảo. Nhờ đó, các mặt hàng do cơ sở của anh làm ra như: bàn, ghế, giường, tủ, cửa, cầu thang, lư hương, chân đèn thờ… ngày càng khẳng định được “thương hiệu” trên thị trường và được tiêu thụ rộng khắp trong tỉnh. Vinh khoe vào ngày 16 và 17.1 vừa rồi, anh đi học hỏi thêm kinh nghiệm, mẫu mã mới tại làng nghề mộc Thường Tín, Hà Nội.
Sản xuất phát triển, cơ sở mộc của anh có doanh thu năm sau cao hơn năm trước, hiện đạt mức 2 tỉ đồng/năm. Thời điểm này, anh đang tất bật với các mối hàng cuối năm và chuẩn bị cho việc mở cửa hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm.
Không chỉ quyết tâm vượt khó vươn lên lập nghiệp ngay tại quê hương, anh Hồ Cao Vinh còn là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên nông thôn về tinh thần tự lực, sáng tạo và giúp nhau phát triển nghề nghiệp (anh đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho 25 thanh niên địa phương). Nói về công việc của mình, anh bộc bạch: “Với tôi, làm giàu đã khó nhưng giữ nghề, giúp đỡ cho thanh niên trong vùng ở lại lập nghiệp trên quê hương càng khó hơn. Tôi là đảng viên, Bí thư Chi đoàn thôn nên nói mà không làm thì đoàn viên trong chi đoàn ai nghe. Cái gì mình cũng phải gương mẫu để làm gương cho thanh niên chứ”.