Không ngừng học hỏi và biết phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, anh Võ Phúc Hậu, 27 tuổi, Bí thư Chi đoàn thôn Thạch Long 2, xã Ân Tường Ðông (huyện Hoài Ân) vinh dự được Trung ương Ðoàn trao tặng Giải thưởng Lương Ðịnh Của 2018.
Làm giàu từ lợi thế địa phương
Hoài Ân là một huyện trung du có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển kinh tế vườn. Điều này đã được anh Hậu tận dụng triệt để để làm kinh tế. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè trải một màu xanh bát ngát của gia đình, anh Hậu chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình thuần nông, vì không có điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học nên sau khi tốt nghiệp THPT tôi ở nhà làm kinh tế. Gia đình có truyền thống trồng cây chè nên tôi quyết tâm khởi nghiệp từ cây trồng này”.
Trước đó, gia đình anh Hậu đã có 1,5 ha đất trồng chè, tuy nhiên do trồng không đúng mật độ và chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên năng suất thấp, thu nhập không cao. Anh Hậu đã cất công mày mò, học tập qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và các lớp tập huấn của địa phương, sau đó vay vốn đầu tư 50 triệu đồng trồng mới thêm gần 2 ha chè và trồng dặm vào những diện tích đã mất để đảm bảo mật độ, nâng tổng diện tích chè của gia đình lên 3,5 ha. Vụ đầu tiên thu hoạch, năng suất chè trên diện tích mở rộng cho thu hoạch lá bói khoảng 1 tạ/ngày, kéo dài khoảng 10 ngày, các luống tốt 20 – 30 ngày sau có thể thu hoạch lại.
Về kỹ thuật chăm sóc, anh Hậu thường bón phân lân, đạm kết hợp phân chuồng cho vườn chè. Theo anh Hậu, trồng chè mỗi năm chỉ phải làm cỏ từ 1 – 2 lần, không phải chăm sóc tỉ mỉ như cây bắp, cây lúa… bởi cây chè ít bị dịch bệnh và ít tốn chi phí chăm sóc. Hiện nay, vườn chè của anh Hậu mỗi năm cho thu hoạch từ 10 – 12 lứa. Mỗi đợt anh thuê từ 5 – 10 lao động, thu hoạch mỗi ngày khoảng 4 tạ lá chè. Tính ra mỗi năm, cây chè mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng. Anh Hậu chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, thương hiệu chè Gò Loi Hoài Ân không ngừng được nâng tầm và được nhiều thương lái đến tìm mua. Để sống được bằng nghề trồng chè, tôi luôn tập trung thâm canh, chăm sóc, đốn tỉa trồng dặm và thu hái, chế biến đúng kỹ thuật. Nhờ thế, sản phẩm chè của tôi luôn cho năng suất và chất lượng cao”.
“Thủ lĩnh” thanh niên tích cực
Vốn xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng anh Hậu đã vươn lên làm giàu chính đáng. Điểm đặc biệt ở anh Hậu là sự chín chắn, suy nghĩ trước sau, trong sản xuất biết lấy ngắn nuôi dài. Việc trồng xen cây tiêu trong diện tích trồng chè là một minh chứng. Anh Hậu phân tích: “Lúc bắt đầu mở rộng diện tích trồng chè, tôi cũng đổ trụ để trồng tiêu luôn. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất, bởi cây chè trồng xen canh với cây tiêu rất phù hợp, hai loại cây này không cạnh tranh chất dinh dưỡng lẫn nhau mà còn bổ trợ cho nhau. Với 2.000 trụ tiêu, mỗi năm tôi thu khoảng 2,5 tấn, thu nhập khoảng 200 triệu đồng”.
Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, mô hình của anh Hậu còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động là ĐVTN Ân Tường Đông. Đồng thời, với vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn Thạch Long 2, anh Hậu đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các ĐVTN mạnh dạn khởi nghiệp với các mô hình phù hợp điều kiện địa phương. Cùng với đó, anh cũng luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thanh niên như tích cực hưởng ứng “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, tham gia làm đường bê tông nông thôn; tổ chức sinh hoạt đoàn viên đều đặn hàng tháng với nhiều hình thức vui tươi, mới mẻ.
Anh Huỳnh Văn Duy, Bí thư Huyện đoàn Hoài Ân, nhận xét: “Chính nhờ sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế; nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao, nên thanh niên Võ Phúc Hậu là tấm gương sáng để các thanh niên khác noi theo. Thời gian đến, Huyện đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên giúp nhau phát triển các mô hình kinh tế khai thác thế mạnh tại địa phương; tạo điều kiện để thanh niên được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Hồng Phúc – Đoàn khối Các cơ quan tỉnh