LTS: Trải qua 94 mùa xuân, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng đã dẫn dắt dân tộc trên con đường đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt diện mạo của đất nước. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.
Bài 1: Sự nỗ lực rất phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta
(ĐCSVN) – Có thể nói, nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đất nước ta đứng trước rất nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đánh giá của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ nêu, có nhiều khó khăn, thách thức còn vượt ra ngoài những dự báo… Trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy những gì chúng ta làm được thật sự là một sự nỗ lực rất phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đó là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với hai vị khách mời:
PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
GS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố rất quyết định
PV: Các đồng chí đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của tình hình trong nước và quốc tế sau Đại hội XIII của Đảng?
PGS.TS Lê Hải Bình: Có thể nói rằng trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng thì không chỉ đất nước chúng ta mà cả nhân loại trải qua những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch COVID-19, rồi những xung đột ở các khu vực khác nhau, sự thăng trầm, những diễn biến phức tạp kinh tế thế giới… Điều đáng nói là sự chung vào nhau của tất cả những thách thức này.
Thứ hai, là sự khó dự đoán của các thách thức này. Nhân loại không dự báo được sự bùng nổ của đại dịch COVID, cũng không dự báo được tính chất bất ngờ của các cuộc xung đột. Mặc dù các nhà phân tích kinh tế cũng đã cố gắng nhưng những diễn biến rất phức tạp của kinh tế thế giới từ đầu tư, thương mại, lãi suất đến tài chính và đặc biệt là lạm phát cũng đều hết sức khó dự đoán. Tôi cho rằng, bối cảnh của nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII hết sức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đất nước chúng ta là một nền kinh tế mở, với độ mở gần gấp đôi tổng GDP của đất nước. Ở trong nước, mọi mặt từ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an ninh an toàn xã hội đều chịu tác động bởi những sự biến khó dự đoán được như vậy. Tựu chung lại có thể nói rằng, trong nửa nhiệm kỳ qua, đất nước chúng ta cùng với nhân loại đứng trước những thách thức vô cùng to lớn.
GS Phùng Hữu Phú: Có thể nói, nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đất nước ta đứng trước rất nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Như đánh giá của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, có nhiều khó khăn, thách thức còn vượt ra ngoài những dự báo của chúng ta… Trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy là những gì chúng ta làm được trong nửa nhiệm kỳ qua thật sự là một sự nỗ lực rất phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
PV: Những khó khăn chủ quan và khách quan như các đồng chí vừa nêu tác động như thế nào đến tình hình kinh tế – xã hội ở nước ta trong nửa nhiệm kỳ qua, thưa PGS.TS Lê Hải Bình?
PGS.TS Lê Hải Bình: Điều đầu tiên là như tôi đã nêu, đất nước chúng ta nền kinh tế có một độ mở rất lớn. Nói một cách văn hoa thì chỉ một cơn “hắt hơi sổ mũi” của kinh tế thế giới cũng tác động ngay đến tình hình kinh tế của chúng ta. Thế nhưng lần này thì thế giới chứng kiến không chỉ với một cơn hắt hơi sổ mũi. Đó là một đại dịch lớn, một căn bệnh nặng có hậu quả rất to lớn. Chính vì vậy, nó tác động ngay nền kinh tế nước ta cả về đầu vào, tức là nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, vật liệu; cả về đầu ra tức là thị trường và nhiều khía cạnh khác nữa.
Có thể nói rằng là từ khi đổi mới đến nay, chúng ta cũng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng của thế giới, khu vực tác động đến Việt Nam nhưng lần này tác động rất sâu sắc. Bởi đối với thế giới, tác động đã là rất to lớn và chưa từng có; đối với Việt Nam – một đất nước có độ mở về kinh tế quốc tế rất sâu, vào loại cao nhất thế giới thì tất cả những tác động này rất khó khăn và ngay lập tức tác động đến nền kinh tế. Nó động đến mọi khía cạnh của nền kinh tế, trong đó có câu chuyện doanh nghiệp, lao động và đặc biệt là tình hình mới chưa từng được dự báo như GS Phùng Hữu Phú nói, đó là nó tác động ngay đến khả năng ứng phó của chúng ta về cơ chế, hành lang pháp lý, về việc phải điều hành kinh tế vĩ mô như thế nào? Đó là những khó khăn rất lớn.
PV: Những khó khăn, thách thức như đồng chí Lê Hải Bình vừa nêu là rất lớn nhưng tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước ta đều được ổn định. Vậy nguyên nhân mà chúng ta đạt được những thành tựu, kết quả đó là do đâu, thưa GS Phùng Hữu Phú?
GS Phùng Hữu Phú: Nửa nhiệm kỳ vừa qua trong bối cảnh rất là phức tạp như vậy, đất nước chúng ta đã vượt qua, tiếp tục phát triển. Những thành tựu đó là sự hội tụ của nhiều nhân tố. Trước hết phải nói là thực tiễn thành công đó minh chứng rằng, định hướng Đại hội XIII là đúng đắn. Đại hội XIII trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm 30 năm đổi mới, rồi từ thực tiễn của đất nước trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đã đưa ra đường lối, những định hướng lớn rất đúng đắn, mang tính khả thi cao. Thực tiễn diễn ra trong nửa nhiệm kỳ qua càng chứng minh rằng những nhận định, đánh giá, định hướng rất đúng đắn của Đại hội XIII. Đấy là nhân tố rất cơ bản.
Nhân tố thứ hai, có thể nói là chưa bao giờ trong quá trình đổi mới, hệ thống chính trị của chúng ta lại vào cuộc một cách đồng bộ như thế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói là “Tiền hô hậu ủng, Nhất hô bá ứng, Trên dưới đồng lòng, Dọc ngang thông suốt”. Trong đó phải nói sự lãnh đạo vững vàng, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp ủy đảng. Chúng ta đã kịp thời nhận thức đúng và xử lý có kết quả nhiều tình huống nảy sinh mà chúng ta không bị động. Đảng ta vững vàng phân tích, dự báo và đưa ra các giải pháp để xử lý hiệu quả. Đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nửa nhiệm kỳ qua cũng thể hiện rất rõ vai trò quản lý, điều hành đất nước năng động, quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả. Quốc hội thì cũng thể hiện rất rõ là đồng hành, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội theo chức năng của mình tham gia rất tích cực. Có thể nói là sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố rất quyết định.
Nhân tố thứ ba phải nói là trong hoàn cảnh khó khăn đó, Nhân dân ta, đồng bào ta, cán bộ chiến sĩ ta… thể hiện rất rõ tinh thần yêu nước. Chống đại dịch COVID là đợt thử thách lòng yêu nước, truyền thống nhân ái, cố kết cộng đồng. Cái chính là Nhân dân tin Đảng, tin vào hệ thống chính trị, kiên cường lao động sáng tạo. Trong đó vai trò của công nhân, nông dân, trí thức, vai trò của các doanh nghiệp đều thể hiện rất rõ…
Và cuối cùng là trong quá trình đổi mới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại rất đúng đắn. Đúng là Việt Nam không chỉ nói mà làm thật. Đó là Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, vừa là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. Chính đường lối đối ngoại đó, thành công trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước, làm cho bạn bè quốc tế hiểu ta hơn, tin ta hơn, quý ta hơn. Do đó, trong những năm qua, trong khó khăn như vậy, nhưng bạn bè quốc tế luôn luôn đứng bên cạnh, đồng tình, ủng hộ, tăng cường hợp tác. Như vậy, có thể nói, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại kết hợp với nhau, được nhân lên trong bối cảnh rất mới. Tổng hòa tất cả những nhân tố đó tạo thành sức mạnh và sức mạnh ấy đã giúp cho Việt Nam chúng ta không chỉ đứng vững mà còn vượt lên trở thành một trong những điểm sáng của khu vực, thế giới.
PV: PGS.TS Lê Hải Bình có bổ sung gì thêm về những nhân tố, yếu tố tạo nên thành công của chúng ta trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua không?
PGS.TS Lê Hải Bình: GS Phùng Hữu Phú đã phân tích rất sâu sắc và toàn diện. Tôi chỉ xin bình luận thêm một ý thôi. Đó là giữa lúc thời cuộc rất phức tạp, mỗi quốc gia đều có sự băn khoăn, lúng túng trong việc tìm kiếm con đường, tìm kiếm cách thức để xử lý các thách thức. Trong đó có nhiều thách thức chưa từng có nên lúng túng cũng phải thôi. Trên bình diện trên toàn cầu là như vậy. Thế nhưng đối với chúng ta, qua phân tích của GS Phùng Hữu Phú, ta thấy chúng ta có thuận lợi hết sức căn bản, mà thuận lợi này khiến cho tôi nhớ lại lời căn dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa còn rất non trẻ. Đó là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thế giới bây giờ đang vạn biến, vậy cái bất biến của chúng ta là gì? Đúng như GS Phùng Hữu Phú nói, chúng ta rất tự tin về con đường của mình.
Chúng ta nhớ sau Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết rất quan trọng về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trong đó đưa ra những đường hướng hết sức căn bản, đặc biệt chỉ rõ, khẳng định rõ con đường đi lên của đất nước, của dân tộc ta. Thế thì đứng trước những phức tạp của thời cuộc như ứng phó với đại dịch của COVID-19, trong khi quốc gia này, quốc gia kia còn đang lúng túng tìm sự lựa chọn nào thì chúng ta chỉ có một sự lựa chọn đó là hạnh phúc, tính mạng, sức khỏe của Nhân dân. Trên cơ sở đó, chúng ta vạn biến rất tốt. Sau này đứng trước những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, thách thức về kinh tế, chúng ta đều dựa trên nền tảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân.
Đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép
PV: Xin các đồng chí có những phân tích rõ hơn về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép – Đó là vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế?
GS Phùng Hữu Phú: Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong lời phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đúc kết 5 bài học kinh nghiệm về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. Có thể nói là trong hoàn cảnh rất khó khăn, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã rất chú trọng việc bám sát thực tiễn, phát triển kịp thời những vấn đề mới về lý luận, về thực tiễn để có những chỉ đạo rất sát sao, rất cụ thể.
Các hội nghị Trung ương tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng của Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, các Chỉ thị của Ban Bí thư, cụ thể hóa tư tưởng của Trung ương, bám sát vào thực tiễn, không chung chung và trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, luôn xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào giải quyết những khâu còn ách tắc, tháo gỡ những khó khăn và tìm cách tạo ra động lực mới để thúc đẩy. Trong lúc đặt trọng tâm vào phòng, chống dịch với khẩu là sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, nhưng rất quan tâm đến ổn định kinh tế.
Và khi dịch bệnh đã được khắc phục một bước cơ bản thì Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương ngay và ngay sau đó Quốc hội thể chế hóa, cụ thể hóa, có kế hoạch hành động cho nên vừa tiếp tục khắc phục hậu quả của dịch bệnh, vừa khẩn trương và quyết tâm khôi phục phát triển kinh tế. Chúng ta không bị động mà chớp thời cơ.
Chính sự chỉ đạo, lãnh đạo rất quyết liệt, rất đúng đắn của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội tạo nên kết quả. Chưa bao giờ Quốc hội chủ động như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, rất chủ động, rất nhanh chóng thể chế hóa chủ trương của Đảng, đồng thời phát huy vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất nhà nước, đưa ra nhiều quyết sách để giải quyết những khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho chính phủ, chính quyền các cấp giải quyết những khó khăn của Nhân dân, doanh nghiệp. Sự vận hành đồng bộ từ Đảng, Quốc hội đến Chính phủ và sự đồng thuận của Nhân dân. Bài học thấm thía nhất trong giai đoạn vừa rồi chính là Đảng ta, hệ thống chính trị của chúng ta không bao giờ tự dừng lại, tự thỏa mãn mà luôn luôn tìm cách đổi mới, không ngừng đổi mới bắt kịp thực tiễn, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Đấy là điểm nhấn, điểm sáng và cũng thể hiện sự trưởng thành của Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta.
PGS.TS Lê Hải Bình: Bài học GS Phùng Hữu Phú nêu ra là bài học có tính chất mấu chốt rất quan trọng. Tôi chỉ xin bổ sung là thông thường thì Ban Chấp hành Trung ương có chương trình toàn khóa và điều rất đáng chú ý là trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ qua, có những sự biến trên thế giới rất khó lường, không thể dự báo và tác động ngay đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, Ban Chấp hành Trung ương không chỉ họp theo đúng chương trình, mà trong mỗi chương trình, trong mỗi kỳ họp đều bàn thảo những vấn đề rất thiết thân đến lợi ích quốc gia, dân tộc và ngay cả trong những nghị quyết nằm trong chương trình từ trước thì nội dung dự thảo nghị quyết cũng được thảo luận rất sôi nổi, rất sâu sắc, mang hơi thở của thực tiễn đang xảy ra.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của GS Phùng Hữu Phú là bám chặt lấy thực tiễn để mà soi vào những nghị quyết và thể chế hóa nghị quyết. Tôi lấy ví dụ, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; hay Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… – Đó đều là câu chuyện nằm trong chương trình toàn khóa nhưng nó cũng thấm đẫm hơi thở của thực tiễn, nhất là những vấn đề mới đều được thể hiện rõ trong đó.
Nội dung nữa là Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất, đoàn kết mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có thể nói rằng, trong bối cảnh ta nhìn ra thế giới, trước những biến cố của toàn cầu, đất nước này, đất nước kia, thể chế này, thể chế kia đều gặp vấn đề phức tạp trong hệ thống chính trị của họ. Sự tranh cãi, thảo luận mà nhiều khi nó khiến cho quốc gia đó chậm trễ trong ứng phó với các vấn đề của toàn cầu. Đất nước ta, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hết sức thống nhất. Phải nói là khối lượng công việc khổng lồ, ngoài các cuộc họp định kỳ, có những cuộc họp bất thường để giải quyết ngay vấn đề lớn, đều đưa ra những quyết sách hết sức đúng đắn.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, lâu nay chúng ta vẫn nói là làm sao đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống? Thì đúng như GS Phùng Hữu Phú đã nêu, ngay khi có nghị quyết của Đảng, ngay lập tức đã được thể chế hóa bởi hoạt động của Quốc hội. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ về hoạt động của Quốc hội cũng hết sức sôi nổi, chưa bao giờ có những kỳ họp bất thường mà các vị đại biểu – những người đại diện cho quyền lực của Nhân dân sẵn sàng bỏ tâm sức, nhiệt huyết, thời gian suy nghĩ, góp phần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa các nghị quyết của Đảng. Phải nói rằng là, hoạt động của Quốc hội và cả những kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều hơn bình thường để quyết ngay những vấn đề, ngay lập tức đưa vào cuộc sống. Vì lẽ đó cho nên chúng ta chớp được thời cơ, mở cửa rất đúng lúc. Trước đại dịch, nếu mở cửa sớm quá có thể thiệt hại thêm về con người, nhưng muộn quá thì lỡ mất đà phục hồi. Các diễn biến, kết quả thực tiễn cho đến lúc này cho phép ta nhìn nhận rằng, việc chúng ta ứng phó với những thách thức của COVID-19 và đặc biệt là việc mở cửa nền kinh tế, mở cửa xã hội để quay lại quá trình phục hồi là hết sức đúng lúc, chớp được thời cơ.
PV: Các đồng chí đánh giá về vai trò của những quyết sách kịp thời, quyết liệt của Quốc hội trong phục hồi và phát triển kinh tế trong nửa nhiệm kỳ vừa qua?
GS Phùng Hữu Phú: Đúng là Quốc hội khóa XV đã kế thừa rất xuất sắc kinh nghiệm của 14 kỳ Quốc hội trước. Đây là điểm rất nổi bật. Quốc hội ngày càng năng động, chủ động hơn và đưa ra các quyết sách hợp với yêu cầu thực tiễn hơn. Chúng ta biết là trong thời kỳ chống dịch COVID-19, Quốc hội rất nhạy bén, tạo hành lang pháp lý để phát huy tốt nhất vai trò của Chính phủ, tạo hành lang để Chính phủ có thể hoạt động một cách chủ động, đồng thời đưa ra nhiều quyết sách rất có hiệu quả. Việc Quốc hội quyết định giảm lãi suất thuế giá trị gia tăng 2% kích cầu thúc đẩy sự phát triển của thị trường nội địa; chủ trương phân bổ 100.000 tỷ còn lại trong vốn trung hạn của Trung ương, tăng nguồn vốn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn; những chủ trương rà soát chương trình quốc gia, rà soát các chương trình trọng điểm, ưu tiên cho những công trình cực kỳ quan trọng tạo nguồn lực đẩy nhanh tiến độ; hay chủ trương cải cách hoàn thiện thủ tục xuất nhập cảnh tạo môi trường cho các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đầu tư phát triển tốt…. Đây là những quyết sách nhanh vào cuộc sống, hợp với yêu cầu thực tiễn.
Quốc hội nhiệm kỳ này rất chú trọng đến công tác lập pháp. Nửa nhiệm kỳ nhưng đã hoàn thành 80% nhiệm vụ lập pháp, hơn 1.000 văn bản luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản của Quốc hội ra rất kịp thời, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn. Đặc biệt là chương trình làm luật lần này có nhiều đổi mới, quy trình làm luật, việc lấy ý kiến Nhân dân… Điển hình việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với 12.000.000 lượt người đóng góp ý kiến. Sự phối kết hợp Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội xây dựng, thẩm định, xin ý kiến của cử tri, phản biện Mặt trận Tổ quốc, của các chuyên gia, các nhà khoa học, do đó chất lượng xây dựng luật của chúng ta được nâng lên.
Nếu nhìn một cách tổng thể, xét trên cả vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, xét cả trên phương diện đây là cơ quan giám sát tối cao và cả với chức năng là cơ quan quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thì có thể nói là nửa nhiệm kỳ vừa rồi, Quốc hội đã thực hiện thành công nhiệm vụ và điều đó được cử tri, đồng bào, chiến sĩ trong cả nước ghi nhận.
PGS.TS Lê Hải Bình: Tôi chỉ muốn bổ sung thêm câu chuyện về yêu cầu của bối cảnh để làm bật lên được phân tích rất sâu sắc của GS Phùng Hữu Phú. Trên thế giới, với sự phát triển rất lớn của xu thế mới, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang đặt ra câu hỏi, bài toán cho tất cả các quốc gia về quản trị quốc gia trong tình hình mới. Điều đó có nghĩa là với sự phát triển rất nhanh chóng của các xu thế trên toàn cầu, mỗi quốc gia không phân biệt là ở đâu, trình độ phát triển thế nào đều có nhu cầu đổi mới hệ thống pháp luật của mình để quản trị quốc gia thích ứng với chuyện mới.
PGS.TS Lê Hải Bình: Đảng ta với tất cả dũng khí của Đảng Cộng sản luôn nhìn thẳng, nhận định rõ những tồn tại, hạn chế của mình. |
Tiếp theo, câu chuyện COVID cũng đặt ra câu chuyện về quản trị quốc gia.
Thứ ba, câu chuyện liên quan đến đất nước chúng ta. Chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Đảng ta đề ra chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế từ Đại hội XI năm 2011 cho đến nay. Và chúng ta cũng đang đi những bước rất chắc chắn để đạt được những thành tựu rất lớn trên chặng đường hội nhập quốc tế. Chúng ta đã, đang hội nhập quốc tế thì cũng đòi hỏi chúng ta phải đổi mới hệ thống pháp luật cho phù hợp với quốc tế, toàn cầu.
Thứ tư, COVID cũng như những khó khăn, những thách thức khác cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế lâu nay. Điều này thì Đảng ta với tất cả dũng khí của Đảng Cộng sản luôn nhìn thẳng, nhận định rõ những tồn tại, hạn chế của mình. Điều này đặt ra yêu cầu chúng ta phải thay đổi, sửa chữa cho nên tất cả những câu chuyện đó dồn lại một áp lực rất lớn cho công tác tạo dựng hành lang pháp lý, thể chế hóa nghị quyết của Đảng để ứng phó và để đáp ứng với yêu cầu mới của quản trị quốc gia. Tất cả tạo ra những áp lực rất lớn nhưng những kết quả cho đến lúc này có định tính, có định lượng. Điều đó cho thấy Quốc hội đã xử lý rất hiệu quả và toàn diện những áp lực này, thậm chí còn vượt lên trên kỳ vọng.
(còn nữa)