Đại hội XIII của Đảng sẽ tổng kết hơn 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong công cuộc đổi mới, với những thành công, kinh nghiệm về xây dựng Đảng. Trước yêu cầu mới hiện nay, cần phải tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
1. Trước hết, xây dựng Đảng về chính trị.
Nhiệm vụ hàng đầu là không ngừng giáo dục, nhận thức sâu sắc trong toàn Đảng lý tưởng cách mạng: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đảng chú trọng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị thể hiện ở tinh thần, ý chí độc lập tự chủ, kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn, ở sự vững vàng, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; không chủ quan khi thắng lợi, thành công và không hoang mang, dao động khi gặp bất trắc hay khi mắc sai lầm, khuyết điểm; thẳng thắn nhận rõ khuyết điểm, yếu kém và quyết tâm sửa chữa. Cần tỉnh táo, có bản lĩnh để bảo vệ giá trị khoa học, hiện thực đường lối và sự lãnh đạo chính trị của Đảng khi các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, phá hoại đường lối, Cương lĩnh của Đảng hòng phá hoại sự thống nhất chính trị của Đảng.
2. Xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận.
Nâng cao trình độ lý luận của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên cần thiết đề cao sự kiên định, trung thành với lý luận, hệ tư tưởng, đồng thời chú trọng năng lực tư duy sáng tạo. Trung thành, thấu hiểu lý luận, quy luật khách quan, giữ vững nguyên tắc bảo đảm cho cách mạng phát triển đúng đắn, không chệch hướng, không rơi vào chủ nghĩa xét lại. Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận bảo đảm thành công và không rơi vào chủ nghĩa giáo điều.
3. Xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ.
Vấn đề hàng đầu là kiên định các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng tạo nên sức mạnh tổng hợp và khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch chống phá Đảng và tìm mọi cách để đòi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nguyên tắc tập trung dân chủ càng phải được giữ vững và thực hiện nghiêm túc trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Phát huy trí tuệ tập thể để có những quyết định tập trung đúng đắn, chống độc đoán, chuyên quyền và chống biểu hiện dân chủ hình thức.
Tiến hành công tác cán bộ phải thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
4. Xây dựng Đảng về đạo đức.
Đạo đức thuộc phạm trù ý thức xã hội, là chuẩn mực về văn minh, tiến bộ của một giai cấp, một dân tộc, một đảng chính trị hay một con người.
Nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên bức thiết khi có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với suy thoái về tư tưởng chính trị và dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức và đạo đức mà Dự thảo văn kiện Đại hội XIII xác định, luôn là vấn đề then chốt, cần được các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên quán triệt và thực hiện tốt. Qua đó, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trước đất nước và dân tộc trong thời kỳ mới.