Nhân dịp kỉ niệm 55 năm sự ra đời của bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta. Và cũng là tròn một nửa thế kỉ Người đã ra đi, trở về với thế giới người hiền. Để rồi hôm nay, mỗi khi đọc lại bản Di chúc thiêng liêng, chúng ta lại càng thấy rõ hơn lời chỉ dẫn, dặn dò thật ân cần, sâu sắc của Người. Kể từ ngày đất nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối đến nay đã gần nửa thế kỉ trôi qua. Có lẽ chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại có một bước phát triển vượt bậc với những đổi thay to lớn như bây giờ. Để có được những thành quả ấy, trước hết chúng ta phải cảm ơn sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, mỗi chúng ta đặc biệt là các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay cần phải nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc và viết tiếp lên những trang sử vẻ vang trong thời đại mới.
Bước sang thế kỉ XXI, dân tộc ta đang đứng trước rất nhiều những cơ hội mới cùng với những thách thức mới. Thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước, là những người sẽ gánh vác trọng trách xây dựng và kiến thiết nước nhà. Chính vì thế, mỗi thế hệ thanh niên hôm nay càng cần phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã căn dặn lại trong Di chúc, phải ra sức phấn đấu và rèn luyện để xứng đáng là những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên Việt Nam
1.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên trong tiến trình cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thanh niên Việt Nam có một vị trí, vai trò vô cùng to lớn trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.
Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn kĩ càng mọi việc đối với Đảng với nhân dân trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên, điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên. Người khẳng định, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh. Khi đất nước ta còn nằm dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, ngay từ năm 1925 trong thư Gửi thanh niên Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đất nước sẽ không còn nếu thanh niên không được “hồi sinh”, “thức tỉnh”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác đã chỉ rõ: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước. Nhân dịp mừng xuân độc lập đầu tiên, tháng 1-1946, Bác đã gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, trong thư Bác đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(1). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên: với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
1.2. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên phát triển toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”
Nhận định thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt, nên ngay từ những năm đầu về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến Bác luôn luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ dẫn thanh niên tham gia phong trào kháng chiến. Đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Tháng 1 năm 1947, khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng (Giám đốc y tế Bắc Bộ) đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột… Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam” (2).
Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội. Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Ngày 13-9-1958, nói chuyện tại lớp chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức Người đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (3).
Việc chăm sóc, giáo dục và rèn luyện thanh niên là công việc mà suốt cuộc đời mình Bác đã làm mà không biết mệt mỏi. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cách mạng Tháng Tám, Bác đã gửi thư cho thanh niên. Trong thư Bác đã viết: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” (4). Và trước khi ra đi về với thế giới người hiền Bác đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” (5)…. Những nhìn nhận và đánh giá của Người như nhắn gửi ở lớp lớp thế hệ thanh niên về niềm tin, trí tuệ và sự sáng tạo cho một xã hội mới của dân tộc.
Với tinh thần đó, để Đoàn thanh niên hoàn thành sứ mệnh cách mạng cao cả, Bác đã đề cao trách nhiệm cụ thể của từng đoàn viên “đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, trong sản xuất, trong học tập”(6) và trách nhiệm chung “Các chi đoàn thanh niên phải xung phong làm đầu tàu trong cuộc thi đua”(7).Vì thi đua là điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn phát triển mạnh mẽ, vững chắc và thu hút sự quan tâm của thanh niên. Phải thực hiện khẩu hiệu: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Thanh niên được xác định là cánh tay đắc lực, đội hậu bị của Đảng nên Bác nhấn mạnh: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Tư tưởng ấy chính là tinh thần xuyên suốt trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng.
2. Đảng và Nhà nước ta phát huy vị trí, vai trò của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
2.1.Yêu cầu đặt ra đối với thanh niên trong giai đoạn hiện nay
Bước sang thế kỷ XXI, tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều thay đổi tạo ra nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức đối với sự phát triển đất nước. Do vậy, đòi hỏi thanh niên Việt Nam hiện nay bên cạnh những phẩm chất đạo đức cơ bản cần không ngừng học hỏi, rèn luyện nhiều hơn nữa, nhằm trang bị cho mình những tri thức tiến bộ của nhân loại.
Thanh niên ngày nay cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh; có ý chí tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ, không cam chịu nghèo nàn lạc hậu; có thái độ và ý thức chính trị rõ ràng đối với vận mệnh của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có chí tiến thủ, sớm có ý chí lập thân, lập nghiệp, ý thức chia sẻ, tương thân, tương ái, không ngại khó khăn, gian khổ, rèn đức luyện tài để xứng đáng là người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2.2. Xây dựng và phát huy vai trò của thanh niên hiện nay theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bằng những đóng góp, cống hiến của thanh niên trong hơn ba mươi năm đất nước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực hiện Di chúc của Người, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng ta khẳng định: “ Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” (Hội nghị TW4 khoá VII năm 1993).
Để có thể phát huy vị trí, vai trò của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cần có những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng:
Một là, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam. Hiện nay các tổ chức thanh niên Việt Nam có Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp than niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam. Trong các tổ chức đó, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên, phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng. Vì vậy, cần tập trung xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh thực hiện tốt chức năng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam; lực lượng chính trị nòng cốt trong các phong trào thanh niên và tổ chức của thanh niên, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cần thể chế hoá các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên bằng các văn bản pháp luật, các chính sách đối với thanh niên; tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh niên; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan chính quyền với tổ chức thanh niên. Tổ chức phối hợp trên quy mô toàn xã hội làm công tác thanh niên. Vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong công tác thanh niên được thể hiện ở việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước liên quan đến thanh niên; tham gia xây dựng và hoạch định các chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; tạo mọi điều kiện tham gia quản lý, bồi dưỡng giáo dục và phát huy thanh niên. Các đoàn thể xã hội cần có chương trình công tác thanh niên của tổ chức mình; xây dựng quy chế phối hợp hành động với Đoàn và các tổ chức thanh niên. Đề cao vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy và giáo dục ý thức công dân, ý thức duy trì và phát triển nòi giống, truyền thống gia đình và tinh thần cộng đồng trách nhiệm; động viên thanh niên tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội.
Hai là, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên.Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục truyền thống văn hoá, văn hiến, đoàn kết cộng đồng, rèn luyện ý chí tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ, không cam chịu nghèo nàn lạc hậu; giáo dục tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng và sự phồn vinh của đất nước cho thanh niên. Giáo dục lòng yêu lao động, trân trọng sức lao động, biết hưởng thụ chính đáng, chống lối sống thực dụng; ý thức kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống, nếp sống công tác, lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc, dòng họ, gia đình, đấu tranh chống lối sống ích kỷ, coi thường kỷ cương phép nước, luân thường đạo lý; nâng cao nhận thức và định hướng hành động của thanh niên trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.
Giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Đoàn. Giáo dục luật pháp và ý thức công dân, xây dựng lối sống “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức, tập thể và cộng đồng. Giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức quốc phòng toàn dân, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nhận thức đầy đủ về thời cơ và thách thức của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới; âm mưu “diễn biến hoà bình”,bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, /hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đảng, nhà nước cần tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trong những giải pháp quan trọng; Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới.
Đó là những giải pháp cơ bản nhằm phát huy tốt nhất vị trí, vai trò của thanh niên, tiếp tục thực hiện có hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh niên. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu, phương hướng và những giải pháp cơ bản của Đảng đề ra trong Nghị quyết số 25-NQTW (2008) của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, là cơ sở để hoàn thành các chương trình hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; là thiết thực thực hiện lời căn dặn của Người: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
3. Thanh niên Việt Nam cần làm gì để thực hiện theo lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hiện lời căn dặn của Người, 50 năm qua, các lớp lớp thế hệ thanh niên luôn là lực xung kích trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá… cùng với các phong trào thanh niên như: Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Năm xung phong… trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì nay trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vai trò của thanh niên lại được thể hiện ở các hoạt động như: Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, phong trào tình nguyện, Hiến máu nhân đạo, Đền ơn đáp nghĩa…Và để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thì các thế hệ thanh niên Viết Nam hôm nay cần làm những việc sau:
Thứ nhất, là không ngừng học tập nâng cao tri thức cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nỗ lực hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; rèn luyện và trưởng thành. Vì tri thức luôn là chiếc thìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai không chỉ đối với mỗi cá nhân con người mà còn đối với cả tương lai của dân tộc. Bên cạnh việc học tập nâng cao tri thức, thì cũng cần phải nâng cao cả năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Bởi vì đó là hành trang kiến thức phục vụ cho công việc của mỗi thanh niên cũng như mỗi con người nói chung. Nếu không có kiến thức nghiề nghiệp thì sẽ khó có thể tham gia vào hoạt động thực tiễn, và cũng khó thích nghi với cuộc sống hiện đại luôn luôn thay đổi như hiện nay.
Thứ hai, là rèn luyện về kỹ năng, năng lực hoạt động thực tiễn. Đây là yếu tố then chốt, giúp cho thanh niên có cơ hội để trải nghiệm và vận dụng những kiến thức đã được học trong nhà trường vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời nó còn mở ra cho thanh niên những cơ hội phát triển bản thân, phát triển năng lực tư duy và sức sáng tạo, là tiền đề quan trọng cho thanh niên có bước trưởng thành vững chắc.
Thứ ba, là thanh niên Việt Nam cần phải không ngừng rèn luyện tinh thần dám nghĩ, dám làm, có ý chí, có quyết tâm cao để thực hiện tốt nhất những mục tiêu, lý tưởng sống mà mình đặt ra. Đồng thời qua đó thanh niên sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc cổ vũ niềm tin, sức mạnh và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Kế tục truyền thống và sự nghiệp của cha anh, chúng ta cần phải ghi nhớ rằng: mình đang mang trên vai trọng trách lịch sử phải trở thành lực lượng lao động có trí tuệ, có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cường tráng để đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời: “Bác mong con cháu mau khôn lớn – Nối tiếp cha ông bước kịp mình” (trích“ Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu).
Di chúc không chỉ là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, mà còn là lời nhắn nhủ của non sông, đất nước đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Những thế hệ thanh niên hôm nay, sẽ luôn cảm thấy tự hào vì mang trong mình dòng máu dân tộc Việt Nam, dòng máu của một dân tộc anh hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những lời căn dặn của Người mãi mãi còn vang vọng đâu đây. Đó là nguồn sức mạnh cổ vũ động viên, là hành trang cho chúng ta tiếp bước trên con đường đi tới chân trời của tự do, ấm no, hạnh phúc, tới bến bờ vinh quang dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và ý chí quyết tâm mạnh mẽ của cả dân tộc. Nhất định chúng ta sẽ giành được nhiều thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà, như Người đã khẳng định:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.194
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, tập 5, tr.49
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, tập 11, tr.528
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, tập 14, tr.619
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, tập 15, tr.612
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.282
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.212
ThS. Vũ Thị Thanh Thảo
Trường Chính trị tỉnh Bình Định