Năm nào cũng thế, đến ngày Tết Ðộc lập, lòng người lại bồi hồi xúc động khi nghĩ về thời khắc khai sinh của đất nước. Và, thêm một lần thấm thía sức mạnh của toàn dân tộc giữa hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, thử thách.
Chỉ trong hơn một tuần lễ (ngày 23 – 31/8/1945), nhân dân Bình Định đã vùng lên giành được chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 3.9.1945, tại sân vận động Quy Nhơn, mít tinh chào mừng thắng lợi của khởi nghĩa được tổ chức, với sự tham gia của gần 30.000 người, gồm đại biểu Việt Minh toàn tỉnh, tự vệ cứu quốc và tự vệ sắt, đồng bào các giới, các dân tộc, tôn giáo cùng nhân dân TP Quy Nhơn. Với thắng lợi này, cuộc đời của hơn 750 nghìn người dân Bình Định không kể tuổi tác, giai cấp, tộc người, tín ngưỡng… đã chính thức bước sang trang mới.
Cách mạng tháng Tám là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, mở ra thời kỳ đấu tranh cho độc lập, tự do và CNXH.
Cách mạng tháng Tám ở Bình Định thành công là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nổi bật là tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Cách mạng tháng Tám là minh chứng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mới xuất hiện, sau một thời gian dài hàng trăm năm bị phân tán, chia rẽ, xói mòn. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã mở ra bước ngoặt trong việc tập hợp lực lượng toàn dân tộc ở Việt Nam. Ngày 20/11/1941, Mặt trận Việt Minh đã nêu rõ mục tiêu là “làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1930 – 1945), ở các cao trào 1930 – 1931, 1936 – 1939, Đảng bộ tỉnh đã phát động và tập hợp được một phần các lực lượng cách mạng cơ bản của địa phương. Sau ngày 9/3/1945, với những chủ trương và biện pháp phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của quần chúng, chúng ta đã nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng chính trị và nửa vũ trang ở khu vực nông thôn và cả thành thị.
Đến đầu tháng 8.1945, có thể nói chưa bao giờ cách mạng Bình Định lại tập hợp được nhiều lực lượng như thế. Lấy công nhân và nông dân làm nòng cốt, các tổ chức Việt Minh đã tập hợp và tranh thủ tất cả các lực lượng yêu nước có thể tập hợp và tranh thủ của địa phương. Nhờ có “đội quân chính trị” hùng hậu đó, lực lượng nửa vũ trang nhỏ vỏn vẹn hơn 2.000 tự vệ cùng 50 cây súng của ta vẫn tạo được sức mạnh tổng hợp, áp đảo giặc Nhật và tay sai trong khởi nghĩa tỉnh lỵ và các huyện.
Tập hợp, xây dựng được “đội binh chính trị quần chúng” hùng hậu là một trong các điều kiện cơ bản để vận dụng nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ trong Cách mạng tháng Tám. Đó là cái gốc vững chắc của cách mạng Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng, như lời Bác Hồ ví von: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm – Trưởng phòng Quản lý đào tạo – nghiên cứu khoa học (Trường Chính trị tỉnh), đến nay, 75 năm sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, bài học “lấy sức ta giải phóng cho ta” vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Bởi lẽ, không có một đảng vững mạnh chắc chắn không thể lãnh đạo cách mạng thành công, không thể đề ra chủ trương đường lối đúng đắn. Thế nhưng, không có quần chúng cách mạng ủng hộ, đồng hành cùng Đảng thì cách mạng cũng không thành công. Từ đó cũng không thể tự lực cánh sinh, không thể chủ động quyết định vận mệnh của dân tộc, của đất nước – đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng ta, dân tộc ta”, ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
BĐO