Hàng năm, cứ đến ngày 19.12, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại vang lên. Bản hùng ca bất diệt này, dù hết sức cô đọng, ngắn gọn nhưng chứa đựng bao thông điệp sâu sắc, đanh thép và còn nguyên giá trị, nóng hổi tính thời sự đến ngày nay.
Vì sao “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ra đời đêm 19.12.1946
Năm 1946, với mong ước hòa bình, chúng ta đã tìm mọi cách trì hoãn cuộc chiến xảy ra. Điều đó thể hiện qua hàng loạt các hội nghị, tiếp xúc, đàm phán… giữa ta và Pháp từ Hiệp định Sơ bộ, Hội nghị trù bị Đà Lạt đến Hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô và Tạm ước 14.9. Tuy nhiên, với dã tâm muốn cướp nước ta một lần nữa và âm mưu tái chiếm Việt Nam và Đông Dương nên thực dân Pháp ngày càng có những vụ vi phạm trắng trợn cả về quân sự và chính trị. Đỉnh điểm là hai sự kiện ngày 17, 18.12.1946, khi thực dân Pháp cho quân gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh (Hà Nội). Đồng thời, chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta với yêu sách ngang ngược: Một là, tước vũ khí tự vệ của ta và kiểm soát tình hình ANTT tại thủ đô Hà Nội. Hai là, không chấp nhận bất kỳ một cuộc đàm phán nào với Chính phủ ta nữa. Mặt khác, Pháp tuyên bố sau 48 giờ nếu chúng ta không trả lời, chúng sẽ “hành động”.
Như vậy, thực dân Pháp đã đặt Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta trước sự lựa chọn: Hoặc là khoanh tay cúi đầu quay lại làm nô lệ cho chúng như trước đây; hoặc là dũng cảm cầm súng đứng lên đánh thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập, tự do mà chúng ta vừa mới giành được.
Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã dũng cảm lựa chọn khả năng thứ hai. Và tiếp tục phát huy kinh nghiệm chống ngoại xâm “tiên phát chế nhân” của cha ông ta, không đợi đến ngày 20.12.1946 (sau 48 giờ, thời hạn mà Pháp ấn định), đồng thời, giành thế chủ động, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vào đêm 19.12.1946.
Ngay mở đầu Lời kêu gọi, Bác đã khẳng định rõ lý do chúng ta phải tiến hành kháng chiến chống Pháp: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Thông điệp cho hôm nay
Từ Lời kêu gọi của Bác, cho chúng ta thấy rõ những thông điệp hết sức quý báu cho Việt Nam và thế giới hôm nay. Một là, đối với các thế hệ Việt Nam hôm nay phải luôn ghi nhớ lời Bác dạy: Thứ nhất, luôn nuôi dưỡng khát vọng, mong ước hòa bình. Cho dù thế giới có biến động dữ dội, có những va chạm, khiêu khích… song dù còn một cơ hội nhỏ nhoi cũng phải cố gắng giữ cho được hòa bình, tránh không để chiến tranh xảy ra. Thứ hai, độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Do đó, phải luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”, khi điều kiện đấu tranh bằng biện pháp hòa bình không còn nữa, khi không còn một cơ hội nào dù nhỏ để gìn giữ hòa bình, khi độc lập, chủ quyền quốc gia đã bị xâm phạm.
Hai là, thông điệp cho thế giới. Từ Lời kêu gọi của Bác cho chúng ta thấy rõ những thông điệp hết sức quý báu cho thế giới hôm nay trong ứng xử với nhau và ứng xử với Việt Nam. Thứ nhất, với Việt Nam. Thông điệp gửi cho thế giới hôm nay là khát vọng, mong ước hòa bình, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới. Theo phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới. Thứ hai, với các nước trên thế giới. Có lẽ khát vọng hòa bình cũng là khát vọng chung của tất cả các dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Do đó, thực hiện tốt thông điệp hòa bình cũng là giải pháp cho nhân loại tiến bộ hôm nay và mai sau.
Như vậy, từ Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải mã cho chúng ta bao điều. Điều cơ bản và quan trọng là lý giải nguyên nhân, nguồn gốc của cuộc kháng chiến. Từ đó, cung cấp luận cứ, luận chứng đanh thép phủ định luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Mặt khác, cũng từ Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác, chúng ta bắt gặp những thông điệp hết sức quý giá, đặc biệt là khát vọng hòa bình cho dân tộc Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý hôm nay và mai sau.
Báo Bình Định