Ấm áp ATM gạo “Nghĩa tình người Bình Định”

Gương, mô hình tiêu biểu Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp Tin tốt, chuyện đẹp

Những ngày qua, câu chuyện về máy ”ATM gạo” đầu tiên tại tỉnh Bình Định giúp đỡ người dân nghèo trong mùa dịch Covid-19 được dư luận đặc biệt quan tâm Người bán vé số, nhặt ve chai, phụ hồ… những ngày gần đây đã quen thuộc với cây ‘ATM gạo’ nghĩa tình tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh.
Mặc dù đến 7 giờ cây “ATM gạo” mới chính thức khởi động nhưng 3 ngày qua, từ sáng sớm, hàng ngàn người lao động nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn đã có mặt tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh để nhận túi gạo sẻ chia. Lực lượng đoàn viên thanh niên cũng có mặt từ rất sớm để hỗ trợ, hướng dẫn người dân xếp hàng với khoảng cách 2 mét, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn rửa tay để phòng dịch bệnh trước khi vào nhận gạo.
San sẻ yêu thương
Bắt đầu đi vào hoạt động từ chiều ngày 15-4, “Chương trình ATM gạo “Người Bình Định nghĩa tình – Chung tay đẩy lùi đại dịch Covid -19” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức đã phát huy hiệu quả, chia sẻ với người khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau 03 ngày đi vào hoạt động, Ban Tổ chức đã phát hơn 19 tấn gạo và 45.125 quả trứng cho 7200 lượt người dân có hoàn cảnh khó khăn tại ATM gạo.


Chia sẻ niềm xúc động khi nhận được gạo hỗ trợ trong cơn đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Tiến, ở phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn chia sẻ: “ Nhà có hai vợ chồng và bốn đứa con; chồng đi làm công nhân cho xưởng gỗ, chị bán vé số dạo. Do dịch bệnh Covid-19 nên xưởng gỗ và công việc bán vé số tạm ngừng hoạt động. Nhiều ngày nay, gia đình không có tiền, phải chạy ăn từng bữa. Nay nghe thông báo đi nhận gạo hỗ trợ tôi vui lắm”. Món quà từ cây “ATM gạo” đã giúp bà đỡ một phần khó khăn.
Mưu sinh bằng nghề bán đậu phụng dạo nên từ khi các cửa hàng, quán ăn đóng cửa, bà Lê Thị Thơm (60 tuổi, phường Đống Đa) mất nguồn thu nhập, lâm vào cảnh túng quẫn. “Cả tuần nay, mỗi bữa ăn của tôi đều trông cậy cả vào hàng xóm. Số gạo nhận lần này thực sự có ý nghĩa rất lớn, như là “cứu cánh” giúp tôi vượt qua khó khăn. Hy vọng chương trình này sẽ được triển khai ở nhiều nơi để những người yếu thế như chúng tôi có thêm cơ hội được giúp đỡ”, bà Thơm chia sẻ.


Với thông điệp “Nếu bạn cần, hãy đến lấy. Nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác”, “ATM gạo” ở Bình Định mở từ 7h00 đến 10h và từ 14h đến 17 giờ chiều hàng ngày. ATM gạo nghĩa tình đi vào hoạt động đã góp phần chia sẻ với người dân có hoàn cảnh thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua nắm bắt, những ngày qua có 90 % người dân đến nhận gạo là người bán vé số dạo, người khuyết tật, người thất nghiệp, bệnh nhân đang diều trị tại các bệnh viện… Bên cạnh đó, vẫn có một số người dân lợi dụng tính nhân văn của chương trình đến xếp hàng nhận gạo dù có hoàn cảnh khá giả, hoặc có nhiều người quay lại nhiều lần trong ngày để nhận gạo. Thêm vào đó, trong những ngày đầu diễn ra chương trình, Ban Tổ chức gặp không ít khó khăn trong công tác điều hành khi nhiều người dân nôn nóng để được nhận gạo đã gây nên tình trạng chen lấn, đúng khoảng cách gần nhau khi xếp hàng bên ngoài. Để kịp thời khắc phục những tình trạng trên, Ban Tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu như liên tục phát loa tuyên truyền người dân hãy đến nhận khi thực sự khó khăn, nếu đã đủ thì nhường lại cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn góp phần vận động các gia đình khá giả, các người dân không phải là đối tượng thực sự khó khăn đến nhận gạo miễn phí; tuyên truyền người dân thực hiện đảm bảo giãn cách xã hội khi nhận gạo… Đồng thời sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt để hạn chế sự quay lại nhận gạo nhiều lần của người dân trong ngày. Qua đó, đến ngày thứ 03 công tác tổ chức đã đi vào ổn định, nề nếp, người dân đã kiên nhẫn xếp hàng đảm bảo khoảng cách, thực hiện tốt các quy trình về sát khuẩn, đeo khẩu trang; số người dân không thuộc đối tượng thực sự khó khăn cũng đã giảm đi rất nhiều, số người quay lại nhiều lần trong ngày cũng đã giảm đi đáng kể. Đây thực sự là một nỗ lực lớn của Ban Tổ chức nhằm vận hành chương trình thông suốt, đảm bảo đúng đối tượng, đúng yêu cầu về phòng chống dịch Covid – 19.

Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Bình Định là một trong những tỉnh trên cả nước thực hiện máy ATM phát gạo miễn phí. Với tinh thần “ai có thì mang đến, ai khó khăn thì tới nhận”, tuy mới vừa đưa vào hoạt động nhưng ý nghĩa của hoạt động đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng. Tại khu vực máy “ATM gạo”, không chỉ có hàng ngàn người tới nhận gạo mà có rất nhiều nhà hảo tâm đã mang gạo, trứng đến để quyên góp, hoặc hỗ trợ tiền mặt để mua gạo giúp người có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn góp một phần nhỏ giúp chương trình hoạt động lâu dài.


Cùng chung tay với cộng đồng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã góp sức cùng Ban Tổ chức với tinh thần “Người Bình Định nghĩa tình” nhằm kịp thời chuyển đến những phần gạo sẻ chia đến người dân có hoàn cảnh thực sự khó khăn do đại dịch. Tính đến 16h00’ ngày 17/04/2020, trong 03 ngày Ban Tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân là hơn 49.144kg gạo và 48.950 quả trứng. Đó là những hình ảnh thật đẹp của bạn thanh niên tình nguyện với tấm lòng “Của ít lòng nhiều” khi đóng góp vào chương trình 5 kg gạo; là hai bạn thiếu nhi Quy Nhơn đập heo đất ủng hộ 50 kg gạo nghĩa tình cho người nghèo…
Không chỉ phối hợp huy động đóng góp từ cộng đồng, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên sẵn sàng túc trực tại địa điểm để hỗ trợ hướng dẫn bà con đến nhận gạo đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào nhận gạo và đi về; hỗ trợ tiếp nhận gạo, nhu yếu phẩm từ các tổ chức, cá nhân để máy “ATM gạo” được vận hành thông suốt và đảm bảo an toàn.


Anh Lương Đình Tiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: Chương trình “ATM gạo” ra đời nhằm mục đích chung tay hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi tinh thần “tương thân tương ái” của cả cộng đồng chung tay vượt qua đại dịch. Ban Tổ chức mong muốn những người dân thực sự khó khăn vì đại dịch hãy đến nhận gạo, còn những gia đình có điều kiện hơn hãy nhường phần cho người khác để chương trình được duy trì và có nhiều người khó khăn được nhận gạo hơn”.

 

 

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN

Trả lời