Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với cái tên là Ba rời Sài Gòn và ngày 15-7-1911 đến cảng Lơ Havơrơ (Le Havre) còn Phan Châu Trinh rời Sài Gòn ngày 1-4-1911 và đến Pháp vào ngày 27-4 cùng năm, ngụ tại Pari. Khoảng cách giữa Lơ Havơrơ và Pari – nơi cụ Phan sang sống – chỉ có hơn 100 cây số, đi lại dễ dàng… Chắc chắn trong dịp này Người đã tranh thủ đến Pari gặp cụ Phan, làm quen với những người quanh Cụ và đặc biệt để bàn bạc với Cụ về hướng sống và học tập. Và có thể không phải chỉ đến một lần…
Có ba bức thư với thủ bút của Tất Thành mà cụ Phan còn giữ được đem về nước năm 1925 và gia đình đã gửi ra Việt Bắc tặng Trung ương trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nay lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh… Có lẽ do yêu cầu bảo mật các thư đều không được ghi ngày tháng nhưng có thể phán đoán bức thư sau đây đã được viết vào dịp trên. Nguyên văn như sau:
“Hy Mã nghi bá đại nhơn,
Cách đây không tiếp được tôn tín, không hay Bác hành chỉ thế nào và sự thể bên ta thế nào? Và cháu muốn biết như cháu có thể gặp Bác trước lúc Bác đi hay không, vì cháu rất cần một ít lời tôn hội, xin Bác trả lời liền cho cháu vì chừng trong tuần lễ cháu sẽ xuống tàu “đi chưa biết đâu”. Kính chúc Bác, M. Trường và em Dật và các đồng bào yên hảo”.
C.Đ * Tất Thành
10 Orchard Place Southampton England
Theo lời thư trên đây thì: Tất Thành biết rõ tình hình cụ Phan đang bị Bộ Thuộc địa ép phải đi khỏi Pari nên yêu cầu Cụ trả lời ngay để đến gặp chỉ trong vòng một tuần lễ… Do đó có thể đoán là mặc dù ghi địa chỉ ở Anh nhưng lúc đó Tất Thành không phải ở Anh mà thực ra đang ở không xa Pari, có thể ở nhà chủ tàu tại Anh Ađơretxơ (Saint – Adresse), ngoại ô Lơ Havơrơ chỉ cách Pari hơn một trăm cây số. Lời thăm hỏi rất thân tình về mọi người ở quanh Phan Châu Trình lúc đó, kể cả luật sư Phan Văn Trường nói lên họ đã gặp gỡ nhau rồi.
Sau thư trên có thể đã có cuộc gặp gỡ giữa cụ Phan và Tất Thành tại Pari trước chuyến đi xa bằng tàu biển.
Theo phán đoán của chúng tôi, thì thời đó nơi dừng chân của Bác Hồ sau các chuyến đi là cảng Lơ Havơrơ. Vì mấy nguyên nhân: đó là nơi dừng lâu nhất của tàu Latútsơ Tơrêvin, có nhà của chủ tàu và nhiều bạn bè quen biết trên tàu có thể làm nơi tá túc; nơi đó rất gần Pari, chỗ ở của cụ Phan và những người bạn khác, chỉ 1 – 2 giờ là đến gặp được; nơi đó chỉ cách nước Anh một eo biển Manche, rất dễ lánh sang đất Anh thuộc chính quyền Hoàng gia vốn lúc này không mấy thân thiện với Pháp (Như thể hiện trong năm 1915, Chính phủ Anh không đáp ứng yêu cầu của Pháp soát xét nơi ở của Tất Thành để tìm các thư phúc đáp của Phan Châu Trinh, hoặc cả sau này khi Chính phủ Hoàng gia ký lệnh thả Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông năm 1931…).
Cần khám phá châu Mỹ và nước Mỹ đang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, Tất Thành đã lên làm việc ở một chiếc tàu đi Nam Mỹ và Bắc Mỹ. Anh đã dừng lại ở Niu Yoóc, lên bờ để làm thêm kiếm sống, viết thư về nước nhờ tìm tin, địa chỉ của cha và đã gặp đại diện phong trào yêu nước Triều Tiên tại Mỹ và học tập kinh nghiệm đấu tranh của họ…
Nhưng Tất Thành không ở Mỹ lâu, trong quý I năm 1913 Người đã trở về Lơ Havơrơ, cùng bàn bạc với cụ Phan và chuyển sang ở Anh, Tất Thành đã gửi bức thư sau cho cụ Phan:
“Hy Mã nghi bá đại nhơn,
Cháu kính chúc Bác, em Dật và ông Trạng, mấy anh em ta ơ Pari đều mạnh giỏi. Nay cháu đã tìm nơi để học tiếng. Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp và ngày tháng chỉ lo làm cho khỏi đói chứ chẳng học được bao nhiêu. Cháu ao ước rằng 4, 5 tháng nữa khi gặp Bác thì cháu sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều.
Bên ta có gì mới không? Và nếu Bác dịch xong mấy hồi rồi xin Bác gửi cho cháu. Chuyến này Bác sẽ đi nghỉ hè ở đâu?
Nay kính
Cuồng Điệt Tất Thành.
Drayton Court Hotel West Ealing London
Câu cuối thư hỏi về vấn đề đi nghỉ hè theo tập quán ở phương Tây và không nói gì đến không khí chiến tranh, cho phép ta đoán thời gian viết thư khoảng giữa năm 1913.
Câu “Xin gởi mấy hồi sau” của một bản dịch chắc là của tập Giai nhơn kỳ ngộ mà Tất Thành đã đọc “mấy hồi trước” trong một chuyến đến thăm cụ Phan trước đó.
Ở Anh mà làm việc với người Pháp và nói tiếng Pháp, có thể là với sự gởi gắm của bạn bè Pháp, Tất Thành đã vào làm việc trong êkíp hầu hết là người Pháp của vua bếp Excơpphie.
Với lời ước hẹn “4, 5 tháng nữa khi gặp Bác thì cháu sẽ…” có thể thấy rõ hơn trong tình hình bác Phan khó di chuyển vì bị kiểm soát, từ Anh, Tất Thành đã có nhiều cuộc đến gặp Bác Phan tại Pari…
Ngoài hai bức thư trên, Cụ Phan còn giữ được một cái “các” của Cuồng Điệt Tất Thành gửi từ một địa phương tên là “Xuphơrarat” mà tập sách Hồ Chí Minh , biên niên tiểu sử xác định là ở Anh. Nội dung là một bài thơ tám câu bảy chữ nói lên cảm xúc của bản thân với tác phẩm: “Giai nhân kỳ ngộ” , cụ Phan đã phóng tác…
Lời cuối thật thắm thiết “Hy Mã nghi bá đại nhơn thấu Cuồng Điệt”.
Có một bức thư thứ tư của Tất Thành do bà Thu Trang tìm được bản dịch tiếng Pháp ở thư khố Ôđinô của Bộ Ngoại giao Pháp đã dịch lại như sau:
Kính gởi Nghi bá đại nhơn
Tiếng súng đã rền vang và thây người đã phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vòng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn dông bão này. Định mệnh sẽ dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước ai sẽ thắng…
Các nước trung lập đang còn lưỡng lự và các nước tham chiến chưa rõ được ý họ. Tình hình như vậy ai nhúng mũi vào thì chỉ có thể đứng về phía này hoặc phía kia. Hình như người Nhật có ý nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong vòng 3, 4 tháng nữa số phận châu Á sẽ thay đổi, và thay đổi nhiều. Mặc kệ những kẻ đang đánh nhau và bạo động, phần chúng ta hãy cứ bình tâm.
Xin gởi lời thăm Nghi bá và em Dật. Xin trả lời cháu về địa chỉ sau đây:
Nguyễn Tất Thành
Số nhà 8
Stephen Tottenham Rd.
London
Thư trên được viết khi cuộc chiến đã diễn ra ác liệt. Nhưng theo tài liệu sưu tầm được thì Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường đã bị bắt ngày 14-9-1914, chỉ hơn một tháng sau khi chiến tranh bắt đầu. Như vậy có thể là Tất Thành đã viết thư khi chưa biết cụ Phan bị bắt và thư này đã bị cơ quan điều tra lấy được, cho dịch và sao gửi cho Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, Báo cáo kết thúc vụ án của Dự thẩm toà án binh Caron viết rõ là:
“Soát nhà Phan Châu Trinh đã lấy được nhiều thứ rất khả nghi trong đó có các thư của Tất Thành ở số 8 đường Stephen Road – Tottenham ở London đã gửi công hàm cho Chính phủ Anh nhờ soát nhà Tất Thành nhưng không được phía Anh đáp ứng”.
Trong biên bản thẩm vấn Cao Đắc Minh với tư cách nhân chứng, Caron có đưa ra một thư và Đắc Minh đã khẳng định đó là thư Tất Thành trả lời cho cụ Phan.
Trong bức thư bà Thu Trang tìm được ở thư khố Ôđinô, Tất Thành cũng nhắc đến thư viết về “cơn dông bão” chắc cũng ở trong số thư đã bị lấy khi soát nhà cụ Phan.
Các tài liệu trên cho thấy mối quan hệ thân tình giữa Bác Hồ và cụ Phan ngay từ trong nước và sự gắn bó giữa hai vị trong những năm đầu Người tham gia hoạt động cách mạng.
* Trích trong Bác Hồ với đất Quảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.