Bình Định hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022

Hoạt động cấp tỉnh Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khời nghiệp, lập nghiệp

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là nhiệm vụ luôn được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quan tâm, chú trọng thực hiện. Đặc biệt trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp trên các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các hoạt động hỗ trợ các dự án, ý tưởng, tư vấn, hỗ trợ ĐVTN như: hỗ trợ vay vốn, khuyến khích, động viên ĐVTN tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua cuộc thi “Thanh niên Bình Định khởi nghiệp sáng tạo lần thứ II, năm 2022, giới thiệu các dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc, đã có những sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm hữu cơ, nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ tự nhiên; quy trình sản xuất có giải pháp bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn tích cực hỗ trợ các “start-up” về kết nối với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp; tạo sân chơi để trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm thông qua các mô hình, CLB khởi nghiệp; tập huấn khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao; quảng bá giới thiệu sản phẩm.… Riêng về kênh vay vốn, Tỉnh đoàn đang hỗ trợ nguồn vốn qua Quỹ Thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp với mỗi dự án giải ngân 200 triệu đồng, nguồn vốn vay giải quyết việc làm vốn 120 và vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Sắp tới, một số mô hình thích ứng biến đổi khí hậu sẽ được tạo nhiều điều kiện phát triển hơn nữa.

Các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên cấp tỉnh, tiêu biểu như các mô hình sau:

1. Mô hình nuôi gà thương phẩm với đệm lót sinh học của anh Nguyễn Văn Diện ở khu phố Hưng Nhơn Bắc, thị trấn An Lão, huyện An Lão. Hiểu được những khó khăn của anh Diện trong quá trình khởi nghiệp, Tỉnh đoàn, Huyện đoàn An Lão đã giới thiệu anh tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình nuôi gà thương phẩm trong và ngoài huyện, tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ tiền mua lại con giống và thức ăn chăn nuôi. Từ đó, anh đã xây dựng chuồng trại bài bản hơn và đang nuôi hơn 1.000 con gà trên đệm lót sinh học. Mỗi lứa gà, anh Diện nuôi 3,5 tháng, mỗi đợt xuất bán hơn 500 con gà thương phẩm, có thu nhập ổn định 80 – 100 triệu đồng/năm.“Nhờ được tổ chức Đoàn quan tâm, giúp đỡ tiếp cận nguồn vốn và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, tôi càng có thêm động lực, quyết tâm làm giàu. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại, liên kết chăn nuôi với bạn hàng để hướng tới lập nghiệp bền vững hơn”, anh Diện cho biết.

2. Mô hình nuôi trùn quế với con đường nông nghiệp sạch của anh Phan Trọng Hà tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Anh Hà sở hữu trang trại Nuôi trùn quế diện tích 200m2 sau đó khai thác phân vi sinh từ trùn quế sử dụng trực tiếp trang trại trồng rau và măng Tây của anh, còn lại sẽ bán ra thị trường cho các khách hàng có nhu cầu trồng rau, quả sạch, trồng hoa hữu cơ…. Sự khác biệt của sản phẩm đó là phân trùn quế là một trong những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng giúp xử lý, cải tạo, tái tạo lại môi trường đất đã bị ô nhiễm, bạc màu do canh tác sử dụng nhiều phân hóa học, phân trùn quế được tạo ra từ nguồn rác thải hữu cơ và phân động vật nhằm mục đích xử lý rác thải môi trường từ các trang trại chăn nuôi và đời sống hàng ngày. Mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn với giá trung bình là 2.500 – 3000 đ/kg, bên cạnh đó còn tận dụng bán phân sau khi thu hoạch trùn. Mô hình này đã được Tỉnh đoàn hỗ trợ tham gia vườn ươm khởi nghiệp của tỉnh và hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất.

3. Mô hình Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Agribio ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ do anh Trần Quang Tiến là Giám đốc với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Dịch vụ này đã khắc phục những khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường và được người dân đồng tình ủng hộ cao. Ước tính khối lượng rác thu gom trên địa bàn xã khoảng 30 tấn/2 ngày thu gom, bình quân hơn 4,2 tấn rác/ngày. Anh Trần Quang Tiến được Tỉnh đoàn giới thiệu tham gia Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia và được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022 đồng thời là 01 trong 06 cá nhân trong cả nước được nhận bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã năm 2022.

4. Mô hình trồng nấm rơm ứng dụng công nghệ mới của anh Trần Xuân Tùng tại huyện Vĩnh Thạnh. Ngoài việc tận dụng nguồn nguyên liệu là rơm, rạ, mô hình của anh còn sử dụng vỏ quả bông, bã mía, mùn thải nấm bào ngư, xơ dừa, cây lục bình để triển khai mô hình, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra với công nghệ mới, việc trồng nấm rơm sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Mô hình này đang được Tỉnh đoàn hỗ trợ tham gia vườn ươm khởi nghiệp của tỉnh và hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp để mở rộng sản xuất.

5.Dự án cà phê sạch “Gu’s Coffee” của anh Nguyễn Ngọc Hiên (SN 1986), Chi đoàn khu phố Liêm Bình tại phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn với vùng nguyên liệu hữu cơ, đảm bảo về tiêu chí bảo vệ môi trường và an toàn cho người sử dụng, anh đã xây dựng được thương hiệu cà phê có chỗ đứng ổn định tại thị trường trong nước. Hằng tháng, công ty cung cấp cho thị trường trong nước gần 1,5 tấn cà phê bột. Lợi nhuận ước đạt hơn 350 triệu đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên tại địa phương. Năm 2018, UBND tỉnh đã chứng nhận sản phẩm cà phê sạch của anh đạt “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”. Dự án của anh Hiên đã được Tỉnh đoàn hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục vay 600 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm (vốn 120) và đang được Trung ương Đoàn xem xét phê duyệt.

Kim Thoa 

Trả lời