Những ngày cuối tháng 3, khắp nơi trong tỉnh một lần nữa sống lại không khí hào hùng của những năm tháng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Cách đây 45 năm, quân và dân Bình Ðịnh đã đồng loạt tổng công kích, nổi dậy giải phóng TX Quy Nhơn, giải phóng toàn tỉnh Bình Ðịnh.
Phối hợp giải phóng quê nhà
Ngày 24.3.1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Chớp thời cơ quan trọng này, Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo các cấp ủy Đảng, nòng cốt là bộ đội chủ lực phối hợp với du kích địa phương liên tục thực hiện các đòn đánh hiểm, hỗ trợ các đoàn thể, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Huyện ủy Hoài Nhơn lãnh đạo quân và dân trong huyện tiến công và nổi dậy giải phóng toàn huyện lúc 10 giờ sáng 28.3, tiếp đó là các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh.
Tại TX Quy Nhơn, Thị ủy chủ động phối hợp với Trung đoàn 93 (bộ đội địa phương tỉnh) bí mật cơ động, tập kết tại xã Phước Hậu rạng sáng 31.3. Lợi dụng lúc địch lúng túng, phòng ngự sơ hở, ta bất ngờ đánh chiếm khu 5, núi Một, cầu Đôi, cầu Sông Ngang; khống chế hậu cứ Sư đoàn 22, sân bay, quân cảng của địch.
Đội biệt động bất ngờ đánh chiếm Ty Cảnh sát, phá nhà lao trung tâm, giải thoát hơn 1.000 đồng chí. Pháo binh của ta đặt trên núi Một chi viện cho đơn vị Đặc công nước 598 chiếm lĩnh mũi Tấn, Quân cảng Quy Nhơn. Đồng thời, phối hợp với bộ đội, các đoàn thể huy động hơn 11.000 quần chúng chiếm Dinh Tỉnh trưởng, nhà lao, Ty Công an; phối hợp với du kích, tự vệ mật, an ninh vũ trang truy quét tàn quân, bảo vệ các kho tàng. Đến 20 giờ ngày 31.3.1975, toàn tỉnh Bình Định đã hoàn toàn giải phóng.
“Với chiến thắng ngày 31.3.1975, giải phóng hoàn toàn quê hương, Đảng bộ, quân dân Bình Định đã góp phần xuất sắc cùng Đảng bộ, quân dân các tỉnh miền Nam, cùng cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho ngụy nhào”, tiếp theo chiến công “đánh cho Mỹ cút”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1954 – 1975).
Đóng góp vào chiến công vang dội ấy là biết bao thương binh, liệt sĩ và những người cha, người mẹ. Ngày 19.8.1975, gia đình ông Lê Ngọc Anh (hiện ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) được UBND Cách mạng Khu Trung Trung bộ tặng bằng Gia đình Kháng chiến. Ông được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; người vợ – bà Nguyễn Thị Đặng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Người con trai – liệt sĩ Lê Văn Don hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
“Để tiến đến ngày giải phóng, chúng tôi đã giành từng tấc đất với địch ở “vùng đệm” Tuy Phước. Đặc biệt, đáng nhớ nhất là những lần đụng độ với Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên) hết sức mưu mô, quỷ quyệt và tàn ác”, ông Lê Ngọc Anh chia sẻ.
Một góc thành phố biển Quy Nhơn.
Rạng rỡ ngày mới
“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, Đảng bộ tỉnh nói riêng trong mọi hoạt động. Theo Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học (Trường Chính trị tỉnh) Nguyễn Tùng Lâm, quan điểm ấy đã được kiểm chứng qua thực tiễn sinh động của cuộc nổi dậy giải phóng TX Quy Nhơn, giải phóng toàn tỉnh Bình Định ngày 31.3.1975. Và tiếp tục được phát huy trong xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định ngày càng giàu đẹp.
Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh đã phân công nhau đến thăm các anh hùng LLVT, gia đình chính sách tiêu biểu. Trong từng cuộc chuyện trò ấm áp không thể thiếu thông tin phấn khởi về những chuyển động tích cực gần đây trong công cuộc dựng xây quê hương. Đúng dịp này, tuyến QL 19 từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL 1A hoàn thành. Việc đưa vào sử dụng tuyến đường mới này mở ra cơ hội giao thương, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, kỳ vọng là đòn bẩy cho phát triển KT-XH.
Trước đó, ngày 18.2, chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Becamex Bình Định với tổng vốn đầu tư hơn 3.333 tỷ đồng cũng được Chính phủ thông qua. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tạo bước đột phá lớn cho phát triển công nghiệp, đồng thời mở rộng không gian phát triển cho TP Quy Nhơn về hướng Tây.
Đến thăm Anh hùng LLVT Nguyễn Kim (hiện ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn chia sẻ một thông tin rất vui: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị phê duyệt chủ trương thành lập TX Hoài Nhơn và các phường trực thuộc. Nếu mọi việc suôn sẻ, TX Hoài Nhơn sẽ chính thức được thành lập trước dịp Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2020). “Vậy, Hoài Hảo quê mình sẽ lên phường sao?”, siết tay đồng hương, người anh hùng từng tham gia giải phóng Quy Nhơn 45 năm trước cười vui như đứa trẻ!
Theo Báo Bình Định