Dạy nghề cho lao động nông thôn ở Bình Định đã phát huy hiệu quả

Tin tốt, chuyện đẹp
Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bình Định đã góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn trong tiến trình xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mới; thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Định quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực.
Theo đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Đình đã được tinh gọn; năng lực, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 1.353 cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Các cấp chính quyền trong tỉnh đã quan tâm đầu tư ngân sách cũng như sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề (Đề án 1956), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển các chương trình, giáo trình, học liệu và đầu tư mới các thiết bị đào tạo nghề; đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách trong 10 năm qua trên 183.592 triệu đồng.
Công tác tư vấn, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề được quan tâm thực hiện; các kế hoạch dạy nghề được xây dựng phù hợp với thị trường lao động và nhu cầu thực tế của người học; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo việc làm mới cho lao động nông thôn.
Theo báo cáo, trong 10 năm qua, toàn tỉnh Bình Định đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) theo Đề án 1956 cho 12.500 lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 80% (chủ yếu theo hình thức người lao động tự tạo công ăn việc làm: làm theo nghề mới học hoặc tiếp tục làm theo nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên). Sau học nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người lao động.
Thu nhập bình quân trước kia của người lao động nông thôn từ 1,3 – 1,7 triệu đồng/người/tháng, sau khi học nghề tăng lên từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số lượng thanh niên nông thôn được đào tạo nghề ngày càng tăng, chất lượng, hiệu quả đào tạo bồi dưỡng nghề được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành nghề tại địa phương.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho trên 5.460 thanh niên nông thôn; liên kết đào tạo nghề theo yêu cầu cho gần 10.300 lao động là thanh niên nông thôn đang làm việc tại các doanh nghiệp; góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thanh niên sau khi học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, giảm nghèo tại khu vực nông thôn, từ đó mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, giúp thanh niên hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách; thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, bậc học theo quy định; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn./.      

Hồng Hà

Trả lời