Di tích lịch sử Chiến thắng Đồi Miếu (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ)

Sự kiện Lịch sử

Phù Mỹ là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định. Phía bắc giáp Hoài Nhơn, phía nam và tây nam giáp Phù Cát, phía tây bắc có một phần giáp Hoài Ân và phía đông là biển đông. Theo thống kê năm 2005 thì huyện Phù Mỹ có diện tích là 548,9 km2 với dân số khoảng 188.000 người, trong đó riêng số nữ chiếm tới 96.700 người. Mật độ dân số là 342 người/ km2.

Phù Mỹ có 19 đơn vị hành chính cấp xã và 2 thị trấn gồm: thị trấn Phù Mỹ và Bình Dương, các xã là: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng và Mỹ Trinh. Huyện có 2 ga tàu hỏa thuộc đường sắt bắc – nam là ga Vạn Phú (xã Mỹ Lộc) và ga Phù Mỹ (thị trấn Phù Mỹ).

Hơn 48 năm từ khi im tiếng súng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phù Mỹ đã xây dựng, tu bổ, tôn tạo lại các địa điểm, các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Di tích lịch sử Đèo Nhông – Dương Liễu, Khu chứng tích thôn 10 (xã Mỹ Thắng), Đập Cây Kê (thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang), Gò Vàng (xã Mỹ Hòa)… ngày càng khang trang, bề thế, tôn nghiêm. Và mới đây, được sự hỗ trợ của cấp trên, huyện Phù Mỹ đã đầu tư xây dựng các khu di tích lịch sử chiến thắng Cầu Cương (xã Mỹ Hiệp) và nhất là Đồi Miếu (xã Mỹ Chánh),…

Từ năm 1974, Đồi Miếu thuộc cao điểm 166m và được địch xây dựng thành chốt điểm quan trọng. Thực hiện âm mưu bình định lấn chiếm vùng giải phóng, địch đã tiến hành mở nhiều đợt hành quân càn quét đánh chiếm vào căn cứ của ta nhằm khống chế cả một khu vực rộng lớn thuộc các xã vùng phía đông và phía bắc huyện. Tại Đồi Miếu, vào đêm ngày 6 và rạng sáng ngày 7/3/1975. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bộ đội huyện Phù Mỹ đã dùng 2 đại đội bộ binh phối hợp với sự yểm trợ của hỏa lực đi cùng đã tiến công chốt điểm Đồi Miếu tiêu diệt 1 đại đội Bảo an ngụy. Từ sự kiện trên, trong hồ sơ di tích được đặt tên là: Di tích lịch sử CHIẾN THẮNG ĐỒI MIẾU.

Đồi Miếu nằm liên hoàn các cao điểm thuộc vùng núi Lạc Phụng của dãy Kim Sơn được phân bổ và trải dài từ hướng tây bắc xuống hướng đông nam. Là đỉnh núi cuối cùng nằm về phía đông nam huyện Phù Mỹ, phía bắc và phía tây bắc giáp cao điểm 338, phía tây nam đến phía đông giáp tỉnh lộ 639 và vịnh nước ngọt. Đồi Miếu cao 166m so với mặt nước biển, có độ dốc thoai thoải và chếch về phía đông, chiều ngang của đỉnh từ tây sang đông rộng khoảng 50 mét, chiều dài bắc – nam khoảng 40 mét. Đường lên đỉnh đồi được cải tạo thành nhiều bậc thang và nhiều cấp. Cảnh quang chung quanh được cải tạo thêm, tạo nhiều màu sắc rực rỡ, cây chen lá, lá chen hoa, những cây bồ đề xanh mướt tựa bên đá khổng lồ với những chùm rể chằng chịt bao quanh ôm lấy đá. Những yếu tố thiên nhiên ưu đãi, kết hợp với việc cải tạo thêm phần cảnh quan, đã tạo cho khu vực phía đông Đồi Miếu một phong cảnh khá hữu tình và bắt mắt. Đây là điểm dừng chân của khách thập phương khi có dịp ghé thăm Đồi Miếu.

Theo thống kê, đến nay, huyện Phù Mỹ có 11 địa điểm, căn cứ, chứng tích chiến tranh được công nhận là di tích lịch sử. Trong đó, có 10 di tích lịch sử cấp tỉnh và 1 di tích lịch sử cấp quốc gia, và một số chứng tích chiến tranh vẫn đang được tiếp tục đề nghị công nhận là di tích lịch sử. Trong đó, di tích lịch sử Chiến thắng Đồi Miếu được UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định xếp hạng vào ngày 16/6/2009.

Nói về việc xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện, ông Trần Đình Thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ, nhấn mạnh: “Xây dựng các khu di tích lịch sử như một cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai là một trong những cách để chúng ta ghi nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước. Điều đó còn là để các thế hệ hôm nay và mai sau biết được sự hy sinh của cha anh, qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ toàn huyện, nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đóng góp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước”.

Ban TTNTH

Trả lời