Đồng chí Võ Văn Kiệt – Một tấm gương sáng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Sự kiện Lịch sử
Đ/c Võ Văn Kiệt tại đại hội Đảng bộ TPHCM 5/1991

Đồng chí Võ Văn Kiệt – Bác Sáu Dân là một nhà lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, đa tài, dám nghĩ, dám làm, kiên quyết làm và dám chịu trách nhiệm. Đồng chí Võ Văn Kiệt là con người của hành động, con người của những quyết sách mang tầm vóc lịch sử. Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và bền bỉ của đồng chí Võ Văn Kiệt luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh vô cùng oanh liệt và tự hào của cách mạng Việt Nam, của Đảng quang vinh, của Nhân dân anh hùng.

Bất cứ lĩnh vực nào và địa phương nào đồng chí Võ Văn Kiệt công tác đều để lại những dấu ấn đặc biệt. Đối với Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của Thành phố trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và trong chặng đường đầu đi lên chủ nghĩa xã hội ở Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, với những cống hiến xuất sắc cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt thật sự là một tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.

Học tập đồng chí Võ Văn Kiệt về sự gắn bó máu thịt với nhân dân, coi đó như là lẽ tự nhiên, là lẽ sống còn.

Đồng chí Võ Văn Kiệt từng phát biểu: Toàn bộ sức mạnh làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo là khởi nguồn từ sức mạnh của nhân dân, từ truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam. Chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, nhớ lại những chặng đường hoạt động cách mạng của mình, những gì tôi làm được, đều do gắn bó với dân, tìm được sức mạnh trí tuệ, kinh nghiệm, sáng tạo từ nhân dân và học hỏi được kinh nghiệm của các đồng chí lớp đàn anh, đàn chị[1].

Cuộc đời Ông – một con người cách mạng, sống được là nhờ có dân. Thực tiễn hoạt động trong thời kỳ bí mật, Ông cảm nhận sâu sắc rằng chiếc áo giáp thần kỳ của lòng dân, sự mưu trí và sáng tạo của bà con, cô bác ở ngay nơi địch giăng lưới, bủa vây, bắn giết đã bảo vệ cho Ông được sống, được tiếp tục gây cơ sở. Trong tâm thức của Ông, tấm lòng của quần chúng sáng như gương, quý vô hạn. Khi họ đuổi mình cũng rất cách mạng, khi họ rước mình cũng vì cách mạng! Từ chính cuộc đời mình, Ông đã rút ra: khi Đảng có đường lối đúng, đáp ứng được lòng dân, thì dân lại là nước đẩy con thuyền cách mạng do Đảng chèo lái tiến đến thắng lợi; Mối quan hệ giữa Đảng với Dân như cá với nước. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi Dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ[2].

Học tập đồng chí Võ Văn Kiệt – một tấm gương theo đạo đức cách mạng của Bác Hồ, không gì hơn là thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta, của Bác Hồ về phát huy sức mạnh của Nhân dân: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng! Ngày nay, chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đó vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Đối với nước ta, thời cơ lớn hơn thách thức. Chúng ta chẳng những có khả năng tranh thủ nắm bắt thời cơ mà còn có khả năng tạo ra thời cơ, chẳng những chúng ta có khả năng vượt qua thách thức mà còn có khả năng làm nảy sinh thời cơ từ những thách thức mà ta đã và sẽ gặp phải, nếu ta có đường lối đúng, có bản lĩnh để thực hiện đường lối đó.

Về vấn đề này, đồng chí Võ Văn Kiệt cho rằng: Điều kiện tiên quyết là biết khởi động sức mạnh tiềm tàng trong toàn Đảng và trong nhân dân. Để phát huy sức mạnh đó cần phát huy khả năng dám nghĩ, dám nói trong Đảng và trong Dân bằng những chính sách cởi mở và đúng đắn, để mọi nguồn lực đều được khơi dậy, kể cả nguồn lực của đồng bào ta đang sống ở nước ngoài. Như thế có nghĩa là phải sát Dân, dựa vào Dân, phát huy hết sức Dân thì Đảng và Nhà nước mới có thể khai thác được vận hội mà kinh tế thị trường đem lại. Càng hội nhập quốc tế, lại càng phải phát huy sức mạnh nội lực. Nội lực phải tìm trong Dân[3].

Học tập đồng chí Võ Văn Kiệt về đức tính khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng tri thức, trí thức, học tập suốt đời.

Đồng chí Võ Văn Kiệt từng khẳng định mình vốn dĩ không được học hành nhiều trong nhà trường, trình độ học vấn có hạn vì Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng, lăn lộn trong kháng chiến và ngay cả khi thời bình Ông cũng không có điều kiện để học tập một cách bài bản. Vậy mà Ông là người luôn đưa ra cái mới mang tính sáng tạo, cả trong thời kỳ lãnh đạo trong kháng chiến và sau này khi làm lãnh đạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kể cả khi làm Thủ tướng Chính phủ.

Không được học nhiều trong nhà trường, nhưng Ông sống trong dân, học ở nhân dân; gần đồng chí đồng đội, các lớp đàn anh, học tri thức và kinh nghiệm của họ; và sau này có điều kiện Ông gần trí thức, trân trọng ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và chịu khó đọc sách chính là cách học được ở trí thức nhiều điều quý giá, bổ ích, để bổ sung, làm giàu tri thức cho chính mình, giúp người lãnh đạo như Ông có những quyết định đúng, sát hợp đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Nói cách khác, đồng chí Võ Văn Kiệt là người của học tập, mà chủ yếu là tự học, tự tìm thầy trong nhân dân, trong đồng chí, đồng đội, trong giới trí thức, văn nghệ sĩ… trong bất cứ ai có ý kiến đúng! Sâu sát thực tiễn, bình tĩnh, trân trọng lắng nghe, thấu hiểu, gạn lọc mọi ý kiến kể cả những ý kiến trái ngược, thậm chí có những ý kiến “nghe thốn cả lỗ tai” – như Ông nói, đó là bí quyết học tập của Ông. Cởi mở tiếp thu và biết cách gạn lọc để làm giàu cho mình kiến thức cùng vốn sống phong phú từ thực tiễn chính là cơ sở, nền tảng cho những quyết sách sáng tạo, mang đậm dấu ấn của bác “Sáu Dân” kính mến như Ông đã từng dặn dò: Yêu nước giờ đây là đem hết sức lực, tài năng và trí tuệ cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của Tổ quốc, sự nghiệp hạnh phúc của nhân dân[4].

Người đương thời và cả hậu thế đều nhận thấy dường như không có một quyết định nào, một quyết sách nào của vị lãnh đạo Thành phố, sau này là Thủ tướng Chính phủ mà không được tham vấn, tập hợp, chắt lọc từ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của các tầng lớp nhân dân. Vấn đề là ở chỗ, Ông là người thật sự cầu thị, thật sự muốn nghe và biết lắng nghe. Phải là người có bản lĩnh, có dũng khí, có tư chất thông minh mới có thể có được tinh thần và cách học tập như vậy. Tấm gương tự học, học suốt đời của Ông mãi để chúng ta học tập, noi theo.

Học tập đồng chí Võ Văn Kiệt ở dũng khí của một người cách mạng, một người lãnh đạo dám chấp nhận và đương đầu với thử thách ở những nơi khó khăn, phức tạp, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng phát biểu: Mỗi người chúng ta cần có nhận thức đúng đắn, tinh thần vững vàng, ý chí vươn lên, vượt qua mọi thử thách của giai đoạn mới như dân tộc ta đã từng đương đầu và chiến thắng những thử thách to lớn gấp nhiều lần của giai đoạn cách mạng trước đây[5].

Khi làm Bí thư Thành ủy đúng vào thời điểm địch thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng dã man, khi mà số đảng viên của Thành phố còn lại ít ỏi, rải rác. Chấp hành sự phân công của Xứ ủy, Ông đã cùng một số đồng chí quy tụ lại lực lượng, phát triển mạnh lên, đồng thời, khởi xướng việc sáp nhập hai đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn và Tây Ninh, tạo nên một cục diện mới ở địa bàn chiến lược này. Khi làm Bí thư Khu ủy, Ông và nhiều đồng chí làm đạo bám trụ ngay tại đất thép Củ Chi – một địa danh nằm trong “Tam giác sắt”, hứng chịu tất cả sự tàn khốc của bom đạn. Cũng chính từ nơi đây, Ông đã chỉ đạo xây dựng cả một “vành đai đỏ”, đặc biệt là Củ Chi, để rồi chính những kinh nghiệm tiến hành chiến tranh nhân dân của Củ Chi “Đất thép thành đồng” trở thành những bài học của toàn Miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Ông là Tư lệnh Phân khu Nam, người trực tiếp tổ chức chỉ huy các lực vũ trang, nhất là biệt động thành tiến công những mục tiêu trọng yếu trong nội đô, nhất là Tòa Đại sứ Mỹ, tạo nên một cơn địa chấn trong lòng nước Mỹ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đời sống nhân dân thành phố hết sức khó khăn, cận kề nạn đói, Ông đã đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Ông cùng tập thể Thành ủy lo chạy gạo cứu đói, dù mang tiếng là “xé rào” Ông vẫn làm. Đối với Ông, cứu đói cho dân lúc đó là mệnh lệnh từ trái tim. Không chỉ có vậy, chính Ông là người cùng tập thể Thành ủy đã nhanh chóng ổn định trật tự trị an, ổn định đời sống nhân dân, ổn định và khẩn trương khôi phục, phát triển sản xuất, liên kết trong thành phố giữa nội thành và ngoại thành; liên kết thành phố với toàn khu vực Nam bộ và cả nước. Khi đã làm Thủ tướng, Ông là một vị Thủ tướng Chính phủ bản lĩnh, đầy dũng khí, quyết đoán, biết chỉ đạo quyết liệt đi liền cùng với việc tổ chức và vận động phong trào quần chúng triển khai sâu rộng.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt chúc mừng tại Lễ khánh thành ÐZ 500 kV mạch 1 (năm 1994). (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Võ Văn Kiệt gắn bó với Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh và người dân Thành phố phố này mãi nhớ về Ông.

Hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày đặt chân tới Thánh phố và vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây, bác Sáu Dân – Võ Văn Kiệt mãi mãi sống trong ký ức của Đảng bộ, của các tầng lớp nhân dân và lực lượng võ trang Sài Gòn Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh. Đảng bộ và nhiều lớp cán bộ, đảng viên đã từng trải qua thời chiến tranh khốc liệt, được sống, chiến đấu cùng thời với Ông đều như được khích lệ, động viên của nhà lãnh đạo giàu nhiệt huyết, sống chiến đấu giữa mưa bom, bão đạn cùng đồng chí đồng bào, và từ trong gian khó đã bật lên những phẩm chất của một tư duy chiến lược, những ý kiến chỉ đạo sắc sảo, sát với thực tiễn chiến đấu của Thành phố, một chiến trường trọng điểm.

Với người dân Thành phố mang tên Bác, thì đồng chí Võ Văn Kiệt – bác Sáu Dân là ruột thịt, thân thương như là “người của mình”, “của gia đình mình”. Trong trái tim mỗi người dân, Thành phố này không chỉ gắn chặt với sự nghiệp của Ông khi trực tiếp lãnh đạo Thành phố mà còn trải dài cả khi Ông đã ra Trung ương công tác. Một Sáu Dân không chỉ gắn bó với nhân dân, trăn trở trước những bất cập trong thực tiễn mà còn luôn bén nhạy trước những điểm nóng, những vấn đề thiết yếu của một đô thị đặc biệt, để kịp thời có mặt và đưa ra những quyết định đúng đắn, đúng lúc.

Người dân Thành phố nhớ về đồng chí Võ Văn Kiệt với mái tóc bạc trắng, dáng vóc quắc thước, trầm tĩnh với ánh mắt hiền hòa nhưng tinh anh. Những suy nghĩ chân thành và tâm huyết, thể hiện một tư duy rất minh triết và nhạy bén với cái mới, một trí tuệ mẫn tiệp và mạnh mẽ, một con người từ suy nghĩ đến việc làm, đến phong cách sống đậm chất Nam Bộ, một nhà lãnh đạo, một vị Thủ tướng đã để lại dấu ấn thật đậm nét trong nhân dân ta về công cuộc “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ.

Cuộc đời Võ Văn Kiệt gắn bó với dân, như Ông đã khẳng định mình sống được là nhờ dân cưu mang, giúp đỡ, chở che. Và Ông cũng là người gần gũi với đồng bào, đồng chí ngay từ những lúc khó khăn, gian khổ. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, Ông lại tiếp tục lăn lộn trong đời sống thực tiễn, chăm lo đời sống của nhân dân, góp phần hết sức quan trọng dấy lên một phong trào thi đua lao động sáng tạo của người dân thành phố.

Đối với nhiều lớp thanh niên của Thành phố, đồng chí Võ Văn Kiệt như là thần tượng của thanh niên. Ông gắn bó với phong trào thanh niên thành phố từ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần đào tạo cán bộ cốt cán trong thanh niên, vũ trang cho thanh niên để trở thành lực lượng vũ trang tuyên truyền, phát động phong trào thanh niên trong học sinh, sinh viên đấu tranh chống xâm lược ngay trong nội thành. Sau giải phóng, khi cần đến sức trẻ trong xây dựng cuộc sống mới, cải tạo môi trường, phát triển sản xuất, Ông đã khởi xướng và đi đầu trong tổ chức lực lượng và phát động phong trào “Thanh niên xung phong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh”. Ông là linh hồn của Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố – một lực lượng hùng hậu với bề dày thành tích ngày càng được tô đậm. Tin tưởng, kỳ vọng vào thế hệ trẻ, Ông cho rằng cần làm sống lại những bài học lịch sử của ông cha đánh giặc giữ nước, nay trao lại cho thế hệ trẻ đang ra sức xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Quyết sách đó, bản lĩnh đó, xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ tình yêu nước thương dân vô bờ, từ tầm cao rộng của một trí tuệ nhạy bén, sắc sảo mà không phải ai cũng có được. “Cái tâm ấy, cái tầm ấy đã quyện chặt trong một tư duy, trong mọi hành động của đồng chí Võ Văn Kiệt một cách xuyên suốt, trong kháng chiến cũng như trong thời bình, hun đúc thành một nhân cách lớn: nhân cách Võ Văn Kiệt”[6].

Vũ Hà My

Phòng Lý luận chính trị – Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

_________________

[1] Nhiều tác giả, Võ Văn Kiệt – Người thắp lửa, Nxb. Trẻ, 2010, tr. 498.

[2] Nhiều tác giả, Võ Văn Kiệt – Người thắp lửa, Nxb. Trẻ, 2010, tr. 503.

[3] Nhiều tác giả, Võ Văn Kiệt – Người thắp lửa, Nxb. Trẻ, 2010, tr. 502.

[4] Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt trong lòng tri thức, Nxb. Văn hóa thông tin, 2009, tr.363.

[5] Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt trong lòng tri thức, Nxb. Văn hóa thông tin, 2009, tr.364.

[6] Võ Văn Kiệt – Một nhân cách lớn nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân (hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.153

Trả lời