Giá trị vô giá của Quốc huy Việt Nam

Chưa được phân loại

Quốc huy là huy hiệu đặc trưng đại diện của từng quốc gia, là hình ảnh biểu thị quyền lực mang tính đại diện cao nhất của các cơ quan nhà nước. Ở mỗi quốc gia, Quốc huy thường được thể hiện hình ảnh, màu sắc riêng, mang ý nghĩa thể hiện độc đáo, được quy định trong Hiến pháp của mỗi nước.

Quốc huy Việt Nam với thiết kế đặc biệt thường được in ấn trên các ấn phẩm quốc gia thể hiện sự uy nghi, trang trọng là biểu tượng đặc biệt, thiêng liêng, cao quý.

Việc sáng tác Quốc huy bắt đầu khi Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước, cần khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao. Ngày 28-1-1951, Bộ Ngoại giao có công văn gửi Ban Thường trực Quốc hội về việc sáng tác Quốc huy. Ngay sau đó, cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy được phát động. Trong các bản vẽ dự thi, 15 mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992) được chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng.

Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh ngày 21-5-1915 quê quán tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Ông là một họa sĩ đồ họa tài danh, thiết kế tiền giấy tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giảng dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Để tạo nên những phác thảo dành cho Quốc huy, tác giả đã dành thời gian tìm hiểu mẫu Quốc huy của các nước trước khi thực hiện. Ông lựa chọn vẽ mẫu trên khung hình tròn, bên trong là nền đỏ và ngôi sao năm cánh lấy ý tưởng từ Quốc kỳ.

Bên cạnh đó, hình ảnh bông lúa, lưỡi liềm, cái đe, chiếc búa, bánh xe… tượng trưng cho công, nông nghiệp cũng được ông khá chú trọng. Sự dày công, tâm huyết với rất nhiều bản thảo giúp tác giả có được những hình ảnh rất thật trên Quốc huy. Để vẽ bông lúa, ông đã ra ruộng hái bông lúa, nghiên cứu hình ảnh chúng rủ xuống để vẽ nhiều lần.

Giá trị vô giá của Quốc huy Việt Nam

 Mẫu Quốc huy và sắc lệnh ban bố do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III 

Sau khi nhận nhiệm vụ chỉnh sửa tiếp mẫu Quốc huy được chọn sau cuộc thi, họa sĩ đã có sự nghiên cứu thực tế kỹ lưỡng sau quá trình thực hiện 112 bản vẽ phác thảo và chi tiết. Ông đã điều chỉnh một số chi tiết trên bản thiết kế được chọn và sau đó do ông được Chính phủ giao nhiệm vụ tuyệt mật mới, nên họa sĩ Trần Văn Cẩn được giao nhiệm vụ chỉnh sửa thêm. Bản thiết kế cuối cùng được duyệt sau khi chỉnh sửa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 254-SL ban bố toàn quốc vào ngày 14-1-1956.

Tạo hình mẫu thiết kế Quốc huy được chọn có 4 phần, cụ thể là hai bông lúa vàng đậm mọc uốn theo khuôn hình tròn, có bông lúa dài và bông lúa ngắn, trên nền vàng tươi cân đối hai bên đại diện cho nông nghiệp. Trên nền đỏ, khu vực giữa Quốc huy ở phía trên có ngôi sao vàng năm cánh, phía dưới có hình bánh xe răng cưa tượng trưng cho công nghiệp. Tiếp dưới là hình dải lụa mềm chứa dòng chữ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Năm 1976, khi đất nước thống nhất, mẫu Quốc huy được sửa đổi phần quốc hiệu. Vì vậy, Quốc huy Việt Nam chính thức mang dòng chữ in hoa “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Về ý nghĩa chính trị, Quốc huy bảo đảm tinh thần của Quốc kỳ. Giá trị lịch sử, mẫu quốc huy biểu hiện tính thời điểm của đất nước, khi đó, khoa học-công nghệ và kinh tế chủ yếu dựa vào cơ khí và nông nghiệp. Giá trị mỹ thuật ứng dụng, thiết kế phác thảo các mẫu Quốc huy từ họa sĩ Bùi Trang Chước và mẫu được lựa chọn thể hiện tinh thần mạnh mẽ trong tạo hình, bảo đảm giá trị tiêu chuẩn thiết kế, có thể sử dụng ở các chất liệu và kích thước lớn nhỏ.

Tác phẩm thiết kế đến nay cho thấy sự công phu, sáng tạo của tác giả. Với hai màu chủ đạo đỏ-vàng, bố cục được tạo nên cân đối, vững chắc, các hình tượng trong Quốc huy được nghiên cứu chắt lọc mang tính tượng trưng, chuẩn mực. Ngôi sao vàng được thể hiện 5 cánh đều và nổi ở tâm ngôi sao, màu vàng của các cánh sao có sự thay đổi sắc độ theo ánh sáng. Trên 2 bó lúa chín vàng với 54 hạt lúa tượng trưng cho 54 dân tộc được thể hiện tinh tế, sinh động cùng dải lụa mềm màu đỏ cuốn quanh vừa thể hiện tinh thần mềm mại kết nối tạo hình thiết kế của các yếu tố lại với nhau, vừa tạo nên tính thẩm mỹ hài hòa. Mẫu Quốc huy Việt Nam hoàn chỉnh và đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung, đã thể hiện cô đọng, súc tích về đất nước Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 mô tả Quốc huy tại khoản 2 Điều 13: “Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Năm 2021, tập phác thảo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam. Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật với thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam.

Nguồn: PGS, TS QUÁCH THỊ NGỌC AN – TS PHẠM PHƯƠNG LINH

Trả lời