Góp phần trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của tỉnh thông qua chương trình tọa đàm “Phát triển đảng viên trong học sinh THPT”

Tin tức 2017
Với việc phối hợp cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức thành công chương trình “Phát triển Ðảng trong học sinh THPT” vào cuối tháng 3/2016, Tỉnh đoàn Bình Định đã tạo ra cho các bạn trẻ tỉnh nhà cơ hội trao đổi, giải bày những vấn đề quan tâm về công tác phát triển đảng viên trong học sinh, góp phần tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên tại các trường THPT trong toàn tỉnh.
Động lực phấn đấu
Mở đầu buổi giao lưu, đảng viên trẻ Nguyễn Thanh Thảo Tú, sinh viên năm thứ 2 Khoa Hóa, Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ: “Ngay khi được vào Đảng tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, sinh hoạt chi bộ cùng các thầy cô, tôi đã được chỉ bảo tận tình để phát huy khả năng của mình trong học tập cũng như các hoạt động khác. Hiện nay, tôi cũng đang được giao nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn đối tượng đảng là sinh viên. Sau 2 năm vào Đảng, tôi thấy mình trưởng thành hơn, đồng thời cũng tự nhủ phải làm thế nào để xứng đáng là một đảng viên trẻ”.

Trước đó 2 năm, hẳn nữ đảng viên trẻ này cũng đã có suy nghĩ giống với Nguyễn Thị Thảo Vi, học sinh lớp 12X Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, được bày tỏ tại buổi giao lưu: “Năm học cuối cấp, bài vở của tôi khá nhiều nhưng được chi bộ lựa chọn và giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, tôi xem đây là vinh dự, niềm tự hào lớn của bản thân nên nỗ lực phấn đấu vừa học vừa tham gia các hoạt động phong trào, rèn luyện đạo đức, sống gương mẫu, trách nhiệm”. 

Đánh giá về việc kết nạp đảng viên là học sinh, ông Trần Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc học Quy Nhơn cho biết: “Đầu mỗi năm học, lãnh đạo nhà trường đều chú trọng tuyên truyền cho ĐVTN và học sinh về chủ trương kết nạp đảng viên trẻ. Qua các phong trào học tập, hoạt động Đoàn, cấp ủy nhà trường phát hiện và bồi dưỡng; đồng thời phân công giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường và bằng nhiều giải pháp tích cực khác giúp cho học sinh xác định động cơ phấn đấu, rèn luyện để vào Đảng. Từ năm 2009 đến nay, nhà trường có 14 học sinh được kết nạp Đảng”.

Qua theo dõi công tác này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận xét, thời gian qua, các đảng bộ, chi bộ trường THPT, các học sinh được kết nạp Đảng đã ý thức hơn về trách nhiệm của mình, có sự trưởng thành hơn. Một số đồng chí đã ra trường có công việc ổn định, có nhiều cơ hội thăng tiến. 

Đánh giá về việc tạo ra môi trường rèn luyện cụ thể, thiết thực cho học sinh, đồng chí Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cũng chia sẻ: “Tỉnh đoàn tiếp tục tổ chức các hoạt động, sân chơi để học sinh THPT có môi trường sinh hoạt, thể hiện mình và có sự “cạnh tranh” công bằng với nhau. Khẳng định được mình là cách tích cực nhất giúp các bạn thuyết phục người khác và nhận được sự đồng thuận cao trong quá trình phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Ðảng”.
 


Đ/c Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn chia sẻ về việc triển khai
các hoạt động Đoàn nhằm tạo ra môi trường rèn luyện trong học sinh THPT

 
Gỡ khó cho cơ sở
Tại buổi giao lưu, đại diện các cấp ủy, Đoàn trường đã trao đổi một số điểm vướng mắc trong việc phát triển đảng viên trong học sinh THPT đang gặp phải như: Nhiều em đủ điều kiện để kết nạp Đảng nhưng vì đến thời điểm tốt nghiệp THPT vẫn chưa tròn 18 tuổi theo quy định nên không được kết nạp tại trường; duy trì sinh hoạt cho các đối tượng Đảng này như thế nào để đợi đến ngày đủ độ tuổi kết nạp Đảng tại trường đại học hoặc địa phương; vấn đề chuyển sinh hoạt Đoàn cho đối tượng Đảng về trường đại học khi có kết quả đậu đại học hoặc đi du học; làm thế nào để tạo điều kiện cho đối tượng đảng phát huy khả năng trong học tập lẫn hoạt động?…
Với những kinh nghiệm từ thực tế công tác này tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nguyên Bí thư chi bộ nhà trường Phạm Quang Bắc, chia sẻ: “Yêu cầu chọn đối tượng Đảng ở các trường THPT khác nhau. Với trường Lê Quý Đôn, ngoài học giỏi, năng nổ trong các hoạt động phong trào, học sinh còn phải có giải thưởng học sinh giỏi quốc gia trở lên. Song, đôi lúc việc bồi dưỡng đối tượng đảng gặp khó khăn, như lớp bồi dưỡng mở trùng với lịch thi học kỳ nên trường phải linh hoạt đổi lịch thi. Do đó, tôi thiết nghĩ nên mở lớp riêng cho các em vào dịp nghỉ hè…”.
 

Đại diện Đoàn trường THPT Nguyễn Trân, huyện Hoài Nhơn trao đổi một số điểm vướng mắc
trong việc phát triển đảng viên tại nhà trường

 
Tham dự và chia sẻ với những khó khăn, trăn trở trong công tác phát triển Đảng, ông Lê Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau khi giải đáp những vướng mắc được các trường nêu, đã nhấn mạnh: Việc phát triển Đảng trong học sinh THPT cần được tập trung tìm nguồn từ khi các em học lớp 10, tạo điều kiện để các em cọ xát với thực tế. Khi các em lên lớp 11, cần giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc với phụ huynh để tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng, tránh tình trạng đã xác định được “nguồn”, đến khi chuẩn bị hoàn tất hồ sơ thì gia đình không đồng ý cho con em vào Đảng vì phải tập trung cho thi đại học hoặc đi định cư nước ngoài. Để nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên là học sinh, cấp ủy trường học đóng vai trò rất quan trọng và là đầu tiên. Các trường học, tổ chức đoàn cần tạo môi trường để học sinh rèn luyện, phấn đấu, giác ngộ lý tưởng, tạo tiền đề xây dựng nguồn cán bộ trẻ cho quê hương. 

Từ những chia sẻ của người trực tiếp làm công tác phát triển Đảng trong học sinh THPT, đến những kinh nghiệm cụ thể của các đảng viên trẻ được kết nạp Đảng khi còn là học sinh, cùng các đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác này được đặt ra một cách thẳng thắn, trách nhiệm, tâm h
uyết, đã giúp cho buổi giao lưu thật sự có ý nghĩa.

Trả lời