Học Bác chăm sóc và giáo dục trẻ em

Học tập và làm theo lời tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Tài liệu

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Bác Hồ đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Với Bác, tình yêu thương trẻ em thật vô bờ bến. Tình thương đó bắt nguồn từ lý tưởng của Người: Suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Sự quan tâm đặc biệt đó, còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa, trông rộng “vì lợi ích trăm năm”, từ chiến lược con người, bởi: “Ngày nay các cháu là nhi đồng. Ngày sau các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”.

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trẻ em không chỉ chứa đựng những tư tưởng, quan điểm cơ bản, mà còn cả những lời chỉ bảo, những hành động, việc làm ân cần, rất cụ thể và gần gũi với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Người chỉ cho chúng ta thấy trẻ em cần được chăm sóc về mọi mặt: Sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động đoàn thể.

Về sức khỏe, Bác bảo làm sao cho các cháu được “ăn no, mặc ấm”, “giữ gìn vệ sinh”, phòng bệnh, chữa bệnh, rèn luyện thân thể… Cuối năm 1944, ở Pắc Bó, thấy việc giữ vệ sinh, nơi ăn ở của bà con còn chưa sạch sẽ, các cháu nhỏ thì rách rưới, có em còn chốc đầu, ghẻ lở, Bác yêu cầu mọi người dọn vệ sinh, rồi Bác bảo các cháu xếp hàng đi ra phía khe nước, tự tay cởi quần áo cho các cháu, lần lượt tắm rửa từng cháu, rồi bôi thuốc cho cháu nào bị chốc, bị ghẻ. Khi giành được chính quyền, là Chủ tịch nước, Bác không khi nào quên nhắc nhở phải chăm lo cái ăn, cái mặc, tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể các cháu.

Về giáo dục, Bác chỉ rõ “mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, do vậy, phải giáo dục các cháu trở thành “những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”, “những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta”. Bác yêu cầu giáo dục trẻ em toàn diện “không những có tri thức phổ thông, mà phải có đạo đức cách mạng”. Về phương pháp giáo dục, Người nói dạy trẻ em học “phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ người lớn”. “Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều  học”. Trong các thư gửi thiếu niên, nhi đồng, Người đều viết rất ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung gần gũi với các em; bao giờ Bác cũng khen ngợi, động viên, khích lệ và thưởng kẹo cho các cháu. Đối với những câu từ, các cháu không hiểu thì hỏi cha mẹ, thầy cô, hoặc “viết thư hỏi Bác”.

Ngoài ra, Bác Hồ còn quan tâm từ đồ chơi dành cho trẻ đến sách báo, thư viện, phim ảnh và các yêu cầu phù hợp sinh hoạt các em. Hơn thế nữa, Bác còn quan tâm đến ý kiến và sáng kiến của các em. Người đặt niềm tin yêu vào thiếu nhi: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Báo Bình Định

Trả lời