Kiểm soát quyền lực chặt chẽ để kiềm chế “lợi ích nhóm”

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng chính sách trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, việc kiểm soát quyền lực được coi là “bảo bối”, là gốc của vấn đề xây dựng hoàn thiện thể chế-một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV.

Chưa bịt hết các kẽ hở trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật

Phóng viên (PV): Với tư cách là một trong những thành viên Ban soạn thảo của Quốc hội xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”, theo ông, “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta có gì đáng quan tâm?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực dưới hình thức “nhóm lợi ích” là vấn đề đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, được dư luận xã hội rất quan tâm thời gian gần đây.

“Nhóm lợi ích” có thể tác động lên quá trình hoạch định chính sách (ở Trung ương hoặc địa phương), đặc biệt là quá trình thực thi chính sách để mang lại “lợi ích nhóm” tiêu cực, không chính đáng, gây thất thoát, lãng phí lớn đối với tài sản nhà nước. Trong hoạch định chính sách, để thu vén lợi ích không chính đáng cho “nhóm”, các “nhóm lợi ích” có thể tác động tới việc ban hành các chính sách cụ thể, như chính sách về đầu tư, thuế, tài chính, ngân hàng; về thủ tục hành chính; về tổ chức bộ máy… Những chính sách này tuy mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ người nhưng lại gây thiệt hại to lớn cho lợi ích chung của quốc gia. Hoặc một nhóm người được hưởng lợi từ các thủ tục hành chính phức tạp, nhưng đa số nhân dân thì bị gây phiền hà, tốn kém.

Bài 2: Kiểm soát quyền lực chặt chẽ để kiềm chế “lợi ích nhóm”
Ông Nguyễn Mạnh Cường. 

Đối với cơ quan lập pháp, “nhóm lợi ích” có thể tác động tới quá trình hoạch định chính sách và giám sát việc thực thi chính sách. Trên thực tế, do quy trình xây dựng pháp luật được quy định rất chặt chẽ, đồng thời, thẩm quyền lập pháp chỉ tập trung vào ban hành những chính sách chung cho toàn đất nước (ban hành luật, nghị quyết và không có thẩm quyền thực thi pháp luật) nên việc tác động của “nhóm lợi ích” vào hoạt động lập pháp ít phổ biến hơn.

Tuy nhiên, khả năng tác động vào hoạt động lập pháp hoàn toàn có thể xảy ra thông qua việc vận động không chính đáng vào việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua chính sách trong các dự án luật, nghị quyết, việc vận động phát biểu, chất vấn, vận động bỏ phiếu, bầu cử… Do đó, việc đề cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về việc thực trạng thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta thời gian qua?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đã thông qua số lượng lớn các luật với chất lượng ngày càng được nâng cao. Quy trình xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm túc; các dự thảo luật, pháp lệnh được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản với nhiều hình thức phù hợp. Chất lượng của các báo cáo thẩm định, thẩm tra ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính độc lập, khách quan, có tính phản biện cao, nêu được chính kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra đối với dự thảo văn bản. Việc thảo luận của đại biểu Quốc hội và việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật được tiến hành nghiêm túc. Quy trình xin ý kiến Bộ Chính trị đối với các nội dung lớn, quan trọng của dự án luật được tuân thủ chặt chẽ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật. Có thể nói, việc thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên về cơ bản đã bảo đảm sự kiểm soát đối với hoạt động lập pháp, bảo đảm văn bản luật được ban hành công khai, minh bạch, có chất lượng, phản ánh đúng chủ trương, đường lối của Đảng, ý chí của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến hiệu quả kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng từ hoạch định chính sách chưa cao. Việc công khai, minh bạch, dân chủ trong quy trình xây dựng pháp luật tuy được coi trọng hơn nhưng trong quá trình soạn thảo luật, việc lấy ý kiến đối với dự thảo và kể cả đối với đề nghị xây dựng luật, nhìn chung có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều tranh luận.

Bên cạnh đó, cơ quan trình dự án chưa dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thông qua dự thảo luật trước khi trình Quốc hội (có trường hợp chỉ xin ý kiến thành viên bằng văn bản nên việc tranh luận, thảo luận bị hạn chế). Một số tài liệu còn hình thức, nhất là báo cáo đánh giá tác động của chính sách, báo cáo rà soát thủ tục hành chính, dự thảo văn bản quy định chi tiết… Những vấn đề nêu trên làm cho việc kiểm soát chính sách bị buông lỏng, không chặt chẽ.

Bài 2: Kiểm soát quyền lực chặt chẽ để kiềm chế “lợi ích nhóm”
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn 

PV: Công tác thẩm định, thẩm tra là hoạt động “gác cổng” pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng vì sao vẫn có những văn bản luật ra đời chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả. Liệu có sự lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công đoạn này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Trên phương diện của Ủy ban Tư pháp, chúng tôi cho rằng, chất lượng các báo cáo thẩm định, thẩm tra chưa đồng đều, nội dung của một số báo cáo dự án luật còn sơ sài, xuôi chiều, tính phản biện chưa cao; chưa dựa trên lập luận mang tính khoa học nên còn thiếu tính thuyết phục. Có trường hợp, báo cáo thẩm tra mới chỉ chú ý xem xét tới những vấn đề lớn mà cơ quan trình dự án nêu trong tờ trình. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có những vấn đề thực sự lớn, những nội dung có biểu hiện “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ lại không được nêu trong tờ trình. Nếu báo cáo thẩm tra không chỉ ra được vấn đề đó thì sẽ chưa làm tròn nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của dự án và loại bỏ “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong dự án.

Ngoài ra, một số dự án luật có chất lượng chưa tốt được trình ra Quốc hội và sau khi Quốc hội cho ý kiến thì cần phải sửa lại rất nhiều. Tuy nhiên, đến lúc này thì dự án đã “nằm ở sân Quốc hội”, cơ quan soạn thảo gần như chỉ có trách nhiệm tham gia; việc chỉnh lý, soạn thảo lại dự án không phải tuân theo các quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đánh giá tác động, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động…), dẫn đến sự kiểm soát đối với nội dung được soạn thảo, chỉnh lý sẽ thiếu chặt chẽ, từ đó hiệu lực của luật bị hạn chế.

Mặt khác, trong thành phần đại biểu Quốc hội, vẫn có quá nhiều đại biểu kiêm nhiệm là lãnh đạo bộ máy cơ quan hành pháp, tư pháp. Có một số trường hợp cán bộ thuộc các bộ, ngành được biệt phái sang làm lãnh đạo, thường trực các ủy ban của Quốc hội. Điều này đã ảnh hưởng tới tính độc lập của các ủy ban, có thể dẫn đến tình trạng nể nang, bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ ngành khi bày tỏ quan điểm, phát biểu chính kiến của đại biểu. Đây là những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến kiểm soát quyền lực trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta.

PV: Còn tồn tại những khe hở trong xây dựng chính sách, pháp luật có lồng ghép “nhóm lợi ích”, phải chăng trong quy trình lập pháp chúng ta chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tôi cho rằng, sự tham gia hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật trong những năm gần đây đã trở thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. MTTQ Việt Nam thực hiện quyền giám sát trong việc xây dựng chính sách, pháp luật được thực hiện thông qua trực tiếp tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo; thông qua tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập; thông qua hoạt động phản biện xã hội, góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện những điểm chưa phù hợp để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh.

Tuy nhiên, có lúc, có nơi, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng và giám sát hoạt động lập pháp còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Phải công khai, dân chủ, minh bạch trong các quy trình xây dựng pháp luật

PV: Trước thực trạng nêu trên, theo ông, việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có trở nên hệ trọng, cấp thiết không?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, trọng tâm nằm ở khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế-là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Đại hội XIII xác định.

Đây là việc làm rất hệ trọng, rất cấp thiết nhằm khơi thông những điểm nghẽn, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Làm tốt công việc này còn góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có thể nói rằng, công cuộc đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng chính sách là thiết thực góp phần bảo vệ uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng, bảo vệ sự uy nghiêm của pháp luật Nhà nước và bảo vệ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

 PV: Để việc xây dựng chính sách, pháp luật được khách quan, có chất lượng, không bị cài cắm bởi “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, theo ông, thời gian tới, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Để nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật thì đối với mỗi chính sách, chúng ta cần làm rõ: Chính sách đó làm lợi cho ai? Có tiêu cực trong xây dựng, thông qua chính sách không? Cụ thể, cần trả lời các câu hỏi: Chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, theo đúng quy trình không, có biểu hiện mờ ám, tiêu cực không? Chính sách đó có vì lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia, dân tộc không hay lợi ích của một nhóm người? Nếu chỉ làm lợi cho một số người thì lợi ích đó có chính đáng không? Nhiều nội dung nêu trên sẽ được làm sáng tỏ thông qua báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

Khi xây dựng chính sách, pháp luật phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân và lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, điều quan trọng hàng đầu là phải bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong các bước thực hiện quy trình, qua đó tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, mọi người dân đều có thể giám sát được hoạt động này.           

Cùng với đó, phải quy định rõ ràng về thẩm quyền ban hành văn bản, vấn đề ủy quyền lập pháp, qua đó loại trừ việc lạm quyền, tùy tiện trong ban hành văn bản. Đồng thời, quy định trách nhiệm tham gia của các cơ quan trong quá trình soạn thảo; quy định chặt chẽ về việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của dự án. Việc huy động sự tham gia và lấy ý kiến rộng rãi về dự án luật như vậy sẽ bảo đảm cho các chính sách được xây dựng trong dự án luật khách quan, toàn diện, có chất lượng, không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Người góp ý, phản biện chính sách phải thực tâm; còn người có trách nhiệm và cơ quan thẩm định chính sách cũng phải tiếp thu thực chất. Chỉ có như vậy mới thật sự phát huy được tinh hoa trí tuệ của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Ngoài ra, cần chú trọng thực hiện hiệu quả việc đánh giá tác động chính sách; đánh giá thủ tục hành chính nhằm bảo đảm cho các chính sách minh bạch, rõ ràng, phù hợp thực tiễn, có tính khả thi, thủ tục hành chính thuận tiện, đơn giản… nhằm loại trừ “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi chính sách.

Đặc biệt, cần quy định nội dung thẩm định, thẩm tra nhằm bảo đảm kiểm soát được chính sách trong dự án luật. Quy định chặt chẽ thủ tục thẩm tra để bảo đảm tất cả ý kiến thành viên ủy ban thẩm tra phải được thể hiện trong báo cáo thẩm tra; quy định sự tham gia thẩm tra của các ủy ban đối với những vấn đề có liên quan. Những quy định này nhằm bảo đảm cho dự án luật được xem xét, kiểm tra, đánh giá đa chiều, qua đó loại bỏ việc cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

“Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành luật. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật”.

(Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 14-10-2021

“Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”)

THIỆN VĂN (thực hiện)

Trả lời