Màu sắc dân tộc trên tranh cổ động Việt Nam

Tin tốt, chuyện đẹp

Tranh cổ động thường được gọi là tranh áp phích, bích chương, tranh quảng cáo, thuộc thể loại đồ họa. Để thu hút sự chú ý và ghi nhớ của người xem, tranh cổ động thường có bố cục đơn giản, sử dụng nhiều mảng lớn, hình ảnh cô đọng, có tính khái quát cao, màu sắc ấn tượng, chữ rõ ràng, ngắn gọn, súc tích. Có những bức tranh chỉ dùng chữ để bố cục thành những mảng tạo hình đẹp, độc đáo, hấp dẫn mà vẫn dễ tiếp cận.

Ở Việt Nam, từ giữa thập niên 1940, nghệ thuật tranh cổ động đã phát triển thành một phương tiện truyền thông chính trị-xã hội hiệu quả, đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của dòng tranh này qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Từ những năm 1960, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tích cực theo dõi, nghiên cứu và sưu tầm tranh cổ động. Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có bộ tranh cổ động đồ sộ với gần 500 tác phẩm, của nhiều họa sĩ khác nhau. Có thể xem đây là bộ sưu tập lớn nhất và giá trị nhất về tranh cổ động ở nước ta.

Bộ sưu tập gồm: Các thế hệ họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sỹ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Nguyễn Tiến Chung, Huỳnh Văn Gấm…; sau đó là những họa sĩ thuộc các thế hệ mỹ thuật Khóa Kháng chiến, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) như Nguyễn Thụ, Huỳnh Phương Đông, Trường Sinh, Huy Toàn, Đào Đức, Minh Mỹ… và cả những họa sĩ tự học xuất sắc như Nguyễn Tiến Cảnh.

Màu sắc dân tộc trên tranh cổ động Việt Nam
Tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Huy Oánh và Nguyễn Thụ (1970). Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp 

Những họa sĩ Việt Nam ý thức được “đơn đặt hàng” của xã hội, đồng thời họ truyền tải tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc qua sự khao khát, mong mỏi, quyết tâm thống nhất, xây dựng đất nước… Chính điểm này đã tạo nên sắc thái riêng và màu sắc dân tộc trên những tác phẩm tranh cổ động Việt Nam.

Những chủ đề phổ biến có thể thấy như tòng quân; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; ca ngợi hòa bình, đoàn kết dân tộc, phản đối chiến tranh, người phụ nữ trong lao động sản xuất và chiến đấu; thiếu niên, nhi đồng; phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; giáo dục… Hình tượng Bác Hồ, hình tượng những người phụ nữ, những em bé, những anh bộ đội luôn xuất hiện đẹp đẽ, mang nét cá nhân nhưng luôn bộc lộ vẻ đẹp đôn hậu, khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình.

Hiện nay, công tác giữ gìn, bảo quản tranh cổ động ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được chú trọng, quan tâm. Dấu ấn mạnh mẽ của các tác phẩm tranh cổ động trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở cuốn “Tranh cổ động Việt Nam 1945-2000” (Cục Văn hóa Thông tin cơ sở xuất bản năm 2001). Năm 2008, hơn 40 bức tranh cổ động được sáng tác trong khoảng từ thập niên 1960 đến cuối thế kỷ 20 thuộc sưu tập tranh cổ động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được trưng bày tại Tây Ban Nha với tên gọi “The rebirth of a nation” (Sự hồi sinh của một dân tộc).

Trong những năm gần đây, bộ sưu tập tranh cổ động được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tích cực phát huy giá trị bằng nhiều hoạt động thiết thực. Năm 2020, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho xuất bản ấn phẩm “Khát vọng hòa bình”, bộ sưu tập đề tài kháng chiến có nội dung bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình, cùng với đó, ra mắt không gian trưng bày “Sưu tập tranh cổ động”. Cuối năm 2021, tại Bảo tàng tỉnh Sơn La, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức Triển lãm “Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn nông dân”. Triển lãm được thực hiện dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là một trong những nội dung của dự án quốc tế “Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam”.

Triển lãm giới thiệu hình ảnh nhiều tác phẩm tranh cổ động chủ đề phát triển chăn nuôi. Những hình ảnh trưng bày tại triển lãm được in trong vựng tập và giới thiệu rộng rãi. Tháng 6-2022, tại Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm chuyên đề “Sưu tập các tác phẩm tranh cổ động, theo dòng lịch sử cách mạng Việt Nam”.

VIỆT HÀ

Trả lời