Một tấm gương thanh niên hoàn lương

Tin tức 2017
15 tuổi, đến trường trễ, bị cấm thi, tức mình bỏ ngang đi học nghề. 3 năm bươn chải ở Sài Gòn, học được đủ thứ, từ dán keo xe, sửa xe máy đến làm bảng hiệu quảng cáo, cả học bổ túc lấy bằng tốt nghiệp THPT và đậu đại học! 18 tuổi, bỏ đại học, về Quy Nhơn theo tiếng gọi của tình yêu, làm nghề. 20 tuổi, đi tù vì tội trộm cắp tài sản. 21 tuổi ra tù. 22 tuổi thành lập công ty riêng.
Đó là những dấu mốc “dữ dội” trong cuộc đời của Nguyễn Trùng Dương, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí, xây dựng, quảng cáo Dương Gia (tổ 23C, KV5, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Câu chuyện về cuộc đời chàng giám đốc trẻ, cho đến thời điểm này, có thể gói gọn trong những 2 từ: xốc nổi và đam mê.
 
Những đam mê của tuổi trẻ

Dương kể: “Vô Sài Gòn, thấy cái gì hay, cái gì mới và thích là tôi học. Học nhanh nữa là khác. Khi có nghề, thu nhập ổn định, sống xa gia đình, tôi cảm thấy buồn, tủi thân và tôi muốn đi học. Nhiều thanh niên khi ở hoàn cảnh như tôi sẽ đàn đúm, ăn nhậu. Nhưng tôi lại muốn đi học, vậy đó. Hàng ngày, tôi dậy từ 5 giờ sáng, làm việc đến chiều tối rồi vội vã đến trường học, có lúc trên người còn lấm lem dầu nhớt xe máy. Tôi học hành hăng say lắm, không chỉ được chọn đi thi học sinh giỏi môn Toán và Địa lý cấp quận, đậu tốt nghiệp THPT hệ bổ túc loại giỏi mà còn thi đỗ vào Trường Đại học Sài Gòn”. 

Rồi cũng vì đam mê, lần này là thần ái tình dẫn lối, Dương bỏ đại học về lại Quy Nhơn lập nghiệp. Đó là bước rẽ khiến cuộc đời của chàng trai hay sống bằng cảm xúc nhiều hơn lý trí vốn không bằng phẳng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Từ thợ dán keo điện thoại, xe máy ở lề đường, Dương cố gắng bám trụ với nghề, mở được cửa hàng ở đường Tây Sơn, kiêm sửa chữa xe máy, rồi mày mò học được nghề dán giấy tường, lại mở thêm tiệm bi da nhỏ ở nhà.

Và đi học lại! Những vất vả, xô bồ của cuộc đời không vùi lấp được niềm đam mê học trong Dương. Anh đăng ký học đại học tại chức ngành quản trị kinh doanh ở Trường ĐH Quy Nhơn.
 

Có tay nghề cao, chịu khó và giá cả phù hợp, Dương nhận được nhiều mối hàng thi công bảng hiệu, trang trí quán cà phê, karaoke… ở TP Quy Nhơn.
Thêm một ngã rẽ

Cuộc sống của Dương khá thuận lợi với thu nhập ổn định, chỉ cần tích góp thì sẽ gầy dựng được sự nghiệp, biến ước mơ có công ty riêng thành hiện thực. Nhưng mọi sự không như Dương nghĩ. Chàng trai từng trải kể lại sự cố của mình với giọng đầy tiếc nuối: “Tôi có nhiều bạn, thợ làm cùng thuộc diện lêu lổng. Bản thân tôi lúc ấy cũng chưa thật sự chín chắn. Trong một lần đi chơi về khuya, có uống bia, tôi và nhóm bạn phát hiện có chiếc xe máy bỏ trên đường Hùng Vương. Cả nhóm quan sát không có ai, tôi dắt xe đi được một đoạn thì có hai người đàn ông đuổi theo. Hoảng quá, tôi vứt xe bỏ chạy nhưng cuối cùng bị bắt”.

7 tháng trong Trại tạm giam CA tỉnh, Dương đã khóc rất nhiều vì chán nản, mặc cảm, tự ti. Gia đình, bạn bè đều bất ngờ với việc Dương và nhóm bạn phạm tội trộm cắp tài sản. “Mỗi lần cha mẹ vào thăm, chứng kiến giọt nước mắt của người cha ngày ngày bạt mặt ngoài đường chạy xe ôm, nhìn gương mặt phờ phạc của mẹ, lòng tôi lại quặn thắt, hối hận. Tôi quẳng bỏ sự chán nản, nghiến răng quyết làm lại từ đầu”, Dương kể.

Những tháng ngày tiếp theo thụ án ở Trại giam Kim Sơn, vốn ốm yếu, Dương mất rất nhiều thời gian để làm quen với các công việc trong tù như cuốc đất, làm ruộng, trồng trọt. Sự vất vả, khổ nhọc đó cùng lịch sinh hoạt nghiêm ngặt khiến Dương càng thấm thía hơn giá trị của tự do, nên tự nhủ mình phải cố gắng.

Dương được các bạn tù mến vì cậu có nhiều tài lẻ như hát hay, biết sáng tác nhạc để biểu diễn, biết nhảy hip-hop, lại còn tạo sự giao lưu văn nghệ giữa các phòng. May mắn có nghề, lại hiền lành, cải tạo tốt, Dương được cất nhắc làm ở bộ phận sửa xe trong trại. Lúc này, Dương bắt đầu đếm từng ngày chờ hết án.

Đi làm nghề, Nguyễn Trùng Dương (bên phải) vẫn đam mê, mong muốn đi học thêm để mở rộng kiến thức.
Làm lại cuộc đời

Tháng 9/2014, Dương ra trại trong niềm vui mừng của gia đình, bạn bè và bản thân.
Nhưng cái giá của hành động nông nổi kia không chỉ là 13 tháng mất tự do Dương vừa trả xong. Nó còn là lời chia tay của người yêu, là những lời khuyên đầy ái ngại về việc anh nên đi xứ khác lập nghiệp, vì ở đây sẽ khó sống với cái tiếng “ở tù về”. Điều đó khiến cậu trai trẻ mất phương hướng, loạng choạng.

Nhưng trạng thái ấy chỉ tồn tại ở Dương đúng ba ngày. Sang ngày thứ tư, anh tự nhủ “ngã đâu đứng đó” và quyết tâm lấy lại mọi thứ đã mất với suy nghĩ phải chứng minh và thể hiện để những ai đã hồ nghi mình “biết mặt”.

Tôi hỏi Dương có gì trong tay ngày khởi nghiệp, cậu cười: “Ý chí, 200 ngàn đồng trong túi từ khi ra trại, và tất cả kiến thức liên quan đến việc thành lập công ty tôi đã tìm hiểu từ lúc trong trại”.

Dương đi tìm các thợ cũ của mình để cùng đi làm những công việc như trang trí cửa hàng, shop, quán cà phê, karaoke. Mặc cảm, nên nhiều lúc gặp lại khách hàng cũ, Dương đều nói tránh là thời gian qua vô TP Hồ Chí Minh, điều mà sau này anh mới biết là không cần thiết, bởi mọi người đều biết rõ. Chị chủ dịch vụ karaoke Ocean ở đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi là khách hàng của Dương. Dương làm việc nhanh nhẹn, uy tín và tay nghề cao. Hiện nay, khi có nhu cầu trang trí lại quán, tôi vẫn liên hệ Dương dù biết rõ mọi chuyện. Tôi nghĩ, quá khứ lỗi lầm ai cũng có thể có, chủ yếu là họ biết đứng dậy và hiện tại họ làm tốt công việc, uy tín”.

Với tay nghề cao, chịu khó và giá cả phù hợp, Dương nhận được nhiều mối hàng thi công bảng hiệu, trang trí quán cà phê, karaoke… ở TP Quy Nhơn. Tháng 9 vừa qua, tròn 1 năm sau ngày ra tù, Dương thành lập công ty riêng: Công ty TNHH cơ khí, xây dựng, quảng cáo Dương Gia.
Cuộc trò chuyện của tôi với Dương phải dừng liên tục vì những cuộc điện thoại của khách hàng. Tôi hỏi: “Giờ còn muốn thể hiện với mọi người là mình trở thành giám đốc rồi không?”, Dương bật cười: “Có lẽ tôi đã qua cái giai đoạn nông nổi, hiếu thắng ấy. Công việc buộc tôi phải thành lập công ty, mở rộng kinh doanh, sản xuất để bắt thời cơ, làm giàu chính đáng thôi. Giờ tôi chỉ mong thành công với sự nghiệp để có thể giúp đỡ gia đình, ba mẹ không vất vả, em trai có nghề nghiệp, em gái học hành đàng hoàng”.

Kế hoạch của Dương là sẽ tiếp tục đi học đại học ngành Xây dựng và Luật để làm nền tảng cho việc mở rộng công việc sang lĩnh vực xây dựng, thiết kế và thi công trọn gói các công trình nhà hàng, cửa hiệu, nhà ở và mở xưởng đóng bàn ghế cung cấp cho các quán cà phê, karaoke trong tỉnh.
Chín chắn hơn trong cuộc sống và vẫn tràn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê với việc học, nghề nghiệp, hẳn đó sẽ là chìa khóa để Dương làm nên những “chương” mới trong cuộc đời của mình. Mong là vậy!

*** Tại Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng Trại giam Kim Sơn tổ chức vào giữa tháng 10/2015, Nguyễn Trùng Dương đã chia sẻ, anh sẽ nhận bất cứ phạm nhân nào ra tù làm việc tại công ty của mình với lý do: “Tôi đã trải qua cảm xúc chán nản, hụt hẫng và khó khăn ở trong tù nên tôi thấu hiểu, khi bước ra khỏi cửa trại giam, bất cứ ai cũng muốn trở thành người lương thiện để không phải trở lại nơi này. Vào đời, nếu thật sự không có nghề nghiệp gì thì sẽ khó khăn nhiều trên bước đường hoàn lương, nhất là người nghiện ma túy. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, khó tìm được việc làm, bản thân mặc cảm lại sống trong dị nghị của dư luận, họ rất dễ sa ngã lần nữa. Nghề của tôi có đủ phần việc, từ khuân vác, làm hồ, làm sắt đến sơn… nên tôi sẵn sàng giúp đỡ, nhận các bạn vào làm việc ở công ty. Tùy vào sự chịu khó, ý chí, quyết tâm của mỗi người mà thời gian làm việc, học nghề khác nhau. Hy vọng, đó là động lực để mọi người phấn đấu làm lại cuộc đời sau những vấp váp, sai lầm”. 


 

 

Trả lời