Phát huy giá trị của Di chúc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Học tập và làm theo lời tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước, về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh, về chiến lược con người, về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, về tình đoàn kết quốc tế,… Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Người, đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tiếp tục thực hiện, phát huy giá trị của Di chúc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đây là nội dung thông tin chuyên đề do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức vào sáng 07-5 tại Hà Nội. Thông tin tại Hội nghị, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nêu rõ: Năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Thời gian càng lùi xa, những tư tưởng cao quý của Bác trong Di chúc càng trở nên sáng rõ không chỉ đối với đồng bào trong nước, mà còn trong lòng bạn bè quốc tế. Di chúc của Người là Quốc bảo đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
Những ngày viết Di chúc, Bác nghiền ngẫm rất sâu sắc xung quanh những lời căn dặn về Đảng. Bác sửa đi sửa lại đoạn về đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bác nói: “Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh và tăng cường sức chiến đấu của Đảng”. Bác còn lấy bút đỏ ghi thêm: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Vào lúc này, điều Bác căn dặn trở nên thấm thía, sâu sắc và hệ trọng, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nói.

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, từ sau Đại hội XII, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) cũng nêu rõ quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vượt qua tất cả những sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xem là một trọng điểm. Suốt 50 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng ta đã làm hết sức mình để xứng đáng với Bác. Đại hội XII của Đảng bổ sung thêm vào lý luận xây dựng Đảng một điều rất căn bản, không chỉ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn phải xây dựng Đảng về đạo đức, đưa văn hóa vào trong chính trị, kinh tế, vào trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Đẩy mạnh sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích của dân tộc

“Đẩy mạnh sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích của dân tộc” là chủ đề Hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức ngày 10-5 tại thành phố Sơn La.

Tại hội thảo, tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học và các gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt lời dạy của Bác chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình công tác, nghiên cứu về sự nghiệp “trồng người”; những thành quả to lớn trong sự nghiệp giáo dục mà tỉnh Sơn La đã đạt được…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà. Người coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta phải chăm lo đến sự nghiệp giáo dục. Đó là tư tưởng mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội bộc bạch: Ôn lại những nét cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong hoàn cảnh đất nước có nhiều điều khác trước. Công cuộc đổi mới đã đi qua chặng đường một phần ba thế kỷ với nhiều thành tựu nhưng cũng đứng trước những thách thức. Do vậy rất cần suy nghĩ về sự vận dụng những lời của Người vào hoàn cảnh của một xã hội đang tiến lên thời kỳ công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và hội nhập vào một thế giới đang chuyển động mạnh mẽ theo chiều hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La Mai Thu Hương cho biết, thấm nhuần tư tưởng và thực hiện Di chúc của Bác, trong 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sơn La luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo; xác định giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực của sự phát triển đất nước”. Toàn tỉnh hiện có 6 trường chuyên nghiệp, 600 trường học các cấp, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, gần 13.000 lớp với trên 300.000 học sinh và gần 5.000 học viên; 289/600 trường đạt chuẩn quốc gia.

Trên lĩnh vực giáo dục mũi nhọn, trong nhiều năm liên lục, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia. Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo với nước bạn Lào được tỉnh đặc biệt quan tâm và hiện đang đào tạo 1.408 lưu học sinh Lào. Toàn tỉnh Sơn La hiện có gần 24.000 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn đào tạo và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng tốt các yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Nhà giáo Nhân dân, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc chia sẻ, một trong những nhiệm vụ của Trường Đại học Tây Bắc bên cạnh việc đào tạo chính quy tập trung để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn phải trở thành trung tâm, môi trường học tập suốt đời cho mọi lứa tuổi, trong đó có người lớn tuổi của vùng Tây Bắc. Trong 5 năm (2013 – 2018), Trường đã tổ chức tuyên truyền nhận thức về học tập suốt đời, xã hội học tập. Nhà trường luôn nhấn mạnh, kiến thức trong nhà trường chỉ có hạn, thời gian học có hạn, mọi việc làm thực hành chỉ là bước đầu của cuộc sống, mô hình của cuộc sống. Vì vậy, ra trường, mọi người phải tiếp tục học tập, rèn luyện để hoàn thiện mình. Công tác tuyên truyền giáo dục đã giúp mỗi người nhận thức không chỉ học chính quy, chuyên nghiệp trong các nhà trường là xong nhiệm vụ mà phải học liên tục, học suốt đời…

Trả lời