Quản trị an ninh các phương tiện truyền thông xã hội vì sự phát triển bền vững đất nước

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số

Các phương tiện truyền thông xã hội (social media), nhất là mạng xã hội (social network), là một thành tựu của nhân loại, mang đến nguồn tài nguyên thông tin – tri thức vô hạn, những tiện ích trong kết nối – giao tiếp xã hội chưa bao giờ có trước đây. Nếu được sử dụng vào những mục đích tích cực, sẽ tạo nên những giá trị vô cùng to lớn. Tuy nhiên, với sự tham gia đa dạng của người dùng, trong môi trường khó kiểm soát, nó cũng là “con dao hai lưỡi”, khi những tác động nghịch rất dễ xảy ra, tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực tới đời sống chính trị – xã hội, thậm chí khôn lường, nhất là với một quốc gia có số lượng người dùng in-tơ-nét gắn với các phương tiện truyền thông xã hội cao hàng đầu thế giới như Việt Nam. Điều đó cấp thiết đặt ra yêu cầu về quản trị an ninh mạng để xây dựng môi trường mạng lành mạnh, vì sự phát triển bền vững của xã hội, của đất nước. 

Những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các phương tiện truyền thông xã hội

Theo khoản 2, Điều 3, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định, mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua mạng viễn thông và mạng máy tính. Còn theo Trung tâm in-tơ-nét Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, cả nước có trên 60 triệu người sử dụng in-tơ-nét, gấp đôi số người sử dụng năm 2011, tương ứng với hơn 60% dân số, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Xin-ga-po (80%), Ma-lai-xi-a (trên 70%). Chỉ tính từ năm 2001 đến năm 2020, số lượng người sử dụng in-tơ-nét đã tăng trung bình mỗi năm 15-18%. Trong số hơn 60 triệu người Việt Nam sử dụng in-tơ-nét, có gần 30 triệu người là khách hàng của Google, 15 triệu người là khách hàng của Yahoo, có trên 48 triệu người là khách hàng của Facebook. Khác với Yahoo đang có xu hướng giảm lượng người dùng, Facebook lại có mức tăng từ 4 triệu người dùng vào năm 2011 lên trên 35 triệu người dùng vào năm 2016 và đạt trên 48 triệu người dùng tính đến cuối năm 2020. Đối tượng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội rất đa dạng, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là thanh thiếu niên, sinh viên; ngoài mạng xã hội còn sử dụng các tiểu blog (Microblogging), trang chia sẻ hình ảnh, video (Social sharing), dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền in-tơ-nét (OTT), như: Twiter, Zing Me, Instagram, Zalo, Viber… Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, các phương tiện truyền thông xã hội mang lại rất nhiều tiện ích và ngày càng góp phần quan trọng trong việc kết nối thông tin, nâng cao dân trí…

Trong những năm qua, việc xây dựng một chính quyền gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay, cùng với việc ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ, mạng xã hội đã và đang được các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Ví dụ, tháng 10-2015, Chính phủ đã lập 2 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế – xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ, mà còn góp phần thiết thực định hướng dư luận trên không gian mạng.

Thực tiễn cho thấy, từ khi mạng xã hội phát triển, việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thực hiện sinh động hơn. Công tác xã hội như cứu trợ thiên tai, xóa đói, giảm nghèo… có nhiều khởi sắc. Nội lực của cộng đồng được phát huy hiệu quả hơn trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội. Các hình thức kinh doanh online trên mạng xã hội của cá nhân và doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang tính chuyên nghiệp.

Các phương tiện truyền thông xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy việc xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa nước ta với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Thông qua mạng xã hội, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động, với một kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, giàu bản sắc…

Những lợi ích mà mạng xã hội mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh, trật tự.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, trung bình mỗi năm, qua kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng đã phát hiện trên 850.000 tài liệu chiến tranh tâm lý, phản động, tuyên truyền tà đạo trái phép; gần 750.000 tài liệu tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước được tán phát vào Việt Nam qua đường bưu chính và mạng xã hội. Từ năm 2010 đến năm 2020, có 53.744 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền “.vn” bị tấn công, trong đó có 2.393 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước có tên miền “gov.vn”; xuất hiện nhiều cuộc tấn công mang màu sắc chính trị, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài các vấn đề an ninh truyền thống, đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam, trong đó an ninh thông tin mạng xã hội là một loại hình an ninh phi truyền thống điển hình.

Các phương tiện truyền thông xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành chống phá nền tảng tư tưởng, tuyên truyền các thông tin xấu độc, trong số đó phổ biến là một số dạng thông tin, như: Thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đường lối đối ngoại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội; kích động xu hướng ly khai, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây; lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus…

Các phương tiện truyền thông xã hội cũng làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật quốc giaGiai đoạn 2001 –  2020, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó lộ, mất bí mật nhà nước qua hệ thống thông tin chiếm tỷ lệ lớn với trên 80% số vụ. Tháng 3-2018, Facebook cũng đã để lộ dữ liệu cá nhân để một nhà phát triển bán lại cho Công ty Cambridge Analityca, dẫn tới 87 triệu dữ liệu thông tin người dùng bị lộ, trong đó có 427.466 tài khoản của người dùng Việt Nam. Trong số 35 triệu người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm, ý thức bảo mật chưa tốt đã làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước. Lợi dụng vấn đề trên, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên mạng xã hội, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước.

Các phương tiện truyền thông xã hội làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mạng xã hội phát triển thì những cuộc “xâm lăng” văn hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là số người trẻ. Sự xuất hiện của các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống, các giá trị phương Tây, như: tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, gây ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân, câu “like” trên mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên mạng xã hội thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.

Các phương tiện truyền thông xã hội đang trở thành công cụ, môi trường để nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội. Với đặc tính ảo, các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội, thường xuyên bị các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn tinh vi như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác…

Yêu cầu cấp thiết quản trị an ninh thông tin các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay

Quản trị an ninh thông tin các phương tiện truyền thông xã hội chính là sự tác động có tổ chức, mang tính quyền lực nhà nước của các cơ quan quản lý lên các quá trình và hành vi trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của các phương tiện truyền thông xã hội, cung cấp dịch vụ trực tuyến và người sử dụng, nhằm loại bỏ các thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực, các định hướng giá trị không tốt. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới tổ chức quản trị một khủng hoảng an ninh phi truyền thống nói chung, an ninh thông tin mạng xã hội nói riêng thường qua 5 bước: Prevention (phòng ngừa), Mitigation (giảm nhẹ), Preparedness (sẵn sàng: chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất), Response (đối phó), Recovery (phục hồi). Đối với Việt Nam, chúng ta đã và đang áp dụng mô hình “Chu trình quản trị thảm họa an ninh phi truyền thống” cũng theo 5 bước, gồm: phòng ngừa, giảm nhẹ, cứu trợ, phục hồi, tái thiết phát triển. Về phương châm quản trị các thảm họa an ninh phi truyền thống nói chung, quản trị thảm họa an ninh thông tin mạng xã hội nói riêng được thực hiện theo phương châm: “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”, với tư tưởng chỉ đạo phòng, chống thảm họa an ninh phi truyền thống như “chống giặc ngoại xâm”, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương. Trong đó, phương châm “3 sẵn sàng” bao gồm: Phòng, chống thảm họa an ninh phi truyền thống như “chống giặc”; chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Còn phương châm “4 tại chỗ” nghĩa là: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Trên thực tế những năm gần đây, các cơ quan chức năng ngành thông tin và truyền thông và công an thực hiện giám sát không gian mạng 24/7, rà soát quét và chủ động gỡ bỏ thông tin xấu độc về các đồng chí lãnh đạo các cấp; gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo mang tên các đồng chí lãnh đạo. Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chủ động đàm phán với Google (bao gồm Youtube) và Facebook, yêu cầu 2 doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. Google, Facebook đã đồng ý ngăn chặn, gỡ bỏ 4.500 tin, bài trên Facebook và 30.000 video trên Youtube, giảm đáng kể lượng thông tin xấu độc trên không gian mạng. Hai nhà mạng xã hội nước ngoài lớn Facebook, Google cũng đã thiết lập cơ chế xử lý riêng dành cho Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, ngày 14-8-2020, về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác”. Sau 1 tháng ban hành, Nghị định đã ghi nhận kết quả rất khả quan khi tỷ lệ phản ánh tin nhắn rác tháng 11-2020 giảm 47% so với tháng 10-2020. Bộ cũng giám sát, phân tích và dự đoán xu hướng thông tin trên không gian mạng liên quan đến Đại hội XIII của Đảng, các sự kiện lớn của đất nước…; chủ động sử dụng biện pháp kỹ thuật chặn 1.714 website/blog xấu độc trên không gian mạng với hàng chục nghìn bài viết; xử lý 712 bài viết nội dung xấu độc, có lượng theo dõi, chia sẻ lớn trên Facebook; xử lý 827 video clip có nội dung xấu độc trên Youtube.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thống tổ chức rà soát, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm trên môi trường mạng.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức ký thỏa thuận hợp tác hằng năm với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Trung tâm Tần số, vô tuyến điện Khu vực 1; Trung tâm internet Việt Nam trong việc phối hợp phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó có mạng xã hội. Từ năm 2017 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội thẩm định, đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý gỡ bỏ 20 tài khoản Facebook, gỡ bỏ 2.678 video clip có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Youtube. Riêng trong năm 2020, thực hiện gỡ bỏ 728 video clip “đăng tải thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố”.

Nhiều địa phương đã tổ chức các mô hình quản trị an ninh thông tin mạng xã hội có hiệu quả, trong đó phải kể đến một số mô hình, như: chương trình “Tư duy thời đại số” (We Think Digital) tại Việt Nam gồm các hoạt động đào tạo kỹ năng công dân số và an toàn trực tuyến cho học sinh, sinh viên trên quy mô toàn quốc, xây dựng một môi trường in-tơ-nét tích cực và an toàn; mô hình “Quản lý sinh viên trên các trang mạng xã hội” tại Trường Đại học Hải Phòng, do Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Hải Phòng tham mưu và phối hợp với nhà trường triển khai. Ngoài 3 fanpage chính thức của nhà trường gồm: Đại học Hải Phòng với hơn 49.000 lượt theo dõi, Sinh viên Trường Đại học Hải Phòng với gần 10.000 lượt theo dõi và “THP” Confestions với khoảng 30.000 lượt theo dõi, hiện nay đang có một số trang fanpage do sinh viên tự thành lập, hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, như Group K14 (hơn 7.600 thành viên); K15 (hơn 6.000 thành viên); K17 (hơn 8.300 thành viên)…; mô hình “Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình” do Công an tỉnh Đắk Lắk tham mưu với các cơ quan, ban, ngành, trong đó có Trường Đại học Tây Nguyên triển khai, nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm quản trị an ninh thông tin mạng xã hội trong cán bộ, nhân dân, sinh viên địa phương…

Một số giải pháp quản trị an ninh thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội

Thứ nhất, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách phù hợp để quản trị an ninh mạng nói chung, quản trị an ninh thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội nói riêng.

Tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về thông tin và truyền thông nói chung và thông tin trên mạng xã hội nói riêng. Triển khai thực hiện hiệu quả hệ thống các văn bản hiện hành, như Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng 2016; Luật An ninh mạng 2018 và các luật liên quan, như Luật Xuất bản 2012, Bộ luật Hình sự 2015, Luật Báo chí 2016; Luật Giáo dục đại học 2018, Luật Giáo dục 2019 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên. Quản lý thông tin đăng ký trên mạng xã hội. Xây dựng chế tài đối với mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy các mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích hình thành các trang mạng xã hội lớn, mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với các trang mạng xã hội nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Thứ hai, chú trọng tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật cho quần chúng nhân dân khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.

Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vạch rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, của các đối tượng xấu trên mạng internet và mạng xã hội; những vấn đề, nội dung thường bị lợi dụng xuyên tạc, cũng như mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin xấu, độc này. Phổ biến, quán triệt nội dung Điều 288 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT, ngày 19-8-2014, của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội; Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định việc cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, chuyên đề… về mạng xã hội. Huớng dẫn cho người dân, nhất là học sinh, sinh viên nhận thức được những ưu điểm, hạn chế, cũng như các kỹ năng trong sử dụng mạng xã hội. Đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng in-tơ-nét, báo, tạp chí điện tử, mạng xã hội trong cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước. Quản lý chặt chẽ, xử lý và đóng cửa theo quy định của pháp luật các trang tin tổng hợp thường xuyên đăng tải những thông tin sai sự thật, cổ xúy những lối sống xa hoa, hưởng thụ, hành vi tiêu cực, suy đồi về đạo đức.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Đưa việc dạy và học pháp luật nói chung, pháp luật quản lý và sử dụng mạng xã hội nói riêng vào các ngành học, bậc học trong hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt phải bắt đầu từ giáo dục phổ thông để nâng cao ý thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội ở giới trẻ – đối tượng sử dụng lớn nhất, đồng thời cũng dễ vi phạm hoặc bị lợi dụng khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường, không để các thế lực thù địch thông qua các phương tiện truyền thông xã hội để tác động, “chuyển hóa” tư tưởng, lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Tăng cường vai trò của các cấp bộ đoàn, hội sinh viên trong bảo đảm an ninh thông tin, phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Thứ ba, tăng cường năng lực của các cơ quan quản trị an ninh thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Quản lý chặt chẽ thông tin trên in-tơ-nét và các phương tiện truyền thông xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế. Hình thành các cơ quan kiểm soát và chống tin giả trên mạng, cũng như hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam, phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xấu, độc khi có yêu cầu. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật.

Nhà nước sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội Việt Nam”, kết hợp việc tăng cường thực thi quản lý nhà nước với những quy định cụ thể và những biện pháp “mềm” mang tính đạo đức, tham khảo các bộ quy tắc ứng xử của các nước… hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tế của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu, phát triển các phương tiện truyền thông xã hội trong nước có chất lượng để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động độc quyền của các mạng nước ngoài. Có các giải pháp lâu dài và bền vững hơn cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.

Phát huy vai trò của nhà báo trong đấu tranh, ngăn chặn, phòng, chống thông tin xấu độc trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhà báo phải có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội trước các luồng thông tin đa chiều trên mạng xã hội. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản trị an ninh mạng xã hội ở Việt Nam. Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong cung cấp thông tin có định hướng rõ ràng cho người sử dụng mạng xã hội. Đầu tư hiện đại hóa các lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tác chiến mạng, an toàn thông tin của ngành công an, quân đội, thông tin và truyền thông. Thực hiện nghiêm quy trình bảo vệ an ninh thông tin 4 lớp theo quy định của Chính phủ nhằm tăng cường tính chủ động, kịp thời trong công tác quản lý in-tơ-nét và mạng xã hội, tập trung xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; xây dựng công cụ đánh giá truy cập website; tăng cường tính bảo mật và đấu tranh với các hành vi tội phạm mạng, khủng bố mạng, tấn công mạng và gián điệp mạng; cảnh báo với các cá nhân, tổ chức những nguyên tắc bảo mật tối thiểu khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội; xây dựng các phương án, kế hoạch hành động quản trị an ninh phi truyền thống khi xảy ra tình huống khẩn cấp về an ninh thông tin.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các phương tiện truyền thông xã hội theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng của ngành thông tin và truyền thông, công an, quân đội thường xuyên phối hợp với thanh tra các bộ, ngành, địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc truyền thông và sử dụng thông tin trên mạng xã hội của người dùng mạng xã hội, theo quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện, uốn nắn, cũng như xử lý những sai phạm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các mạng xã hội nhằm chủ động ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin, truyền thông và thông tin trên mạng xã hội. Trên cơ sở đó, phát hiện và ngăn chặn xử lý kịp thời những thông tin xấu độc được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế quản trị an ninh trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam.

Ngày 7-6-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg “Về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh việc “tăng cường hợp tác, tham gia các tổ chức, thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng”. Chúng ta cần tiếp tục tham gia quá trình thảo luận và xây dựng các quy định, tập quán, cũng như luật pháp về không gian mạng với các nước, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, hội sinh viên nước ngoài. Điều này giúp Việt Nam có điều kiện và cơ hội để xây dựng các quan hệ đối tác và tham gia các thể chế đa phương nhằm tăng cường các hành động và hợp tác tập thể trong việc ngăn ngừa và chống lại những nguy cơ chung về an ninh mạng, có tác động xuyên biên giới; thúc đẩy hợp tác, hành động và ứng phó tập thể đối với các sự cố an ninh mạng, góp phần giải quyết các sự cố và ngăn chặn những hoạt động gây hại trên không gian mạng một cách hiệu quả; thúc đẩy chia sẻ chính sách và xây dựng đồng thuận chung cho sự ổn định không gian mạng toàn cầu nhằm thiết lập các quy chuẩn, quy định quốc tế và biện pháp trừng phạt đối với các hành vi tội phạm mạng, khủng bố mạng, tấn công mạng và gián điệp mạng./.

Theo Tạp chí Cộng Sản

Trả lời