Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có nhiều tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó, công tác giáo dục thanh niên, sinh viên cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những đổi mới kịp thời, linh hoạt và sáng tạo cả về chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đặc biệt, việc tham gia các hoạt động trên các trang mạng xã hội của thanh niên, sinh viên hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, định hướng và tập trung giải quyết, nhất là việc nắm bắt và định hướng tư tưởng cho thanh niên, sinh viên trên môi trường mạng xã hội nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của mạng xã hội tới lực lương thanh niên, sinh viên – đối tượng tập trung chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch. Đồng thời, hướng thanh niên, sinh viên vào các hoạt động lập thân, lập nghiệp, các hoạt động tình nguyện, tham gia các phong trào hành động cách mạng để thông qua đó có những trải nghiệm thực tế thiết thực, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Trên thực tế, thanh niên, sinh viên là đối tượng có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội rất cao, họ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, vì thế, họ là đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nguồn thông tin trên mạng xã hội. Để thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, sinh viên hiện nay, tổ chức Đoàn cần không ngừng đẩy mạnh các hoạt động nắm bắt, định hướng tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, lập trường; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng xử lý thông tin thông qua mạng internet, nhất là trên các trang mạng xã hội giúp thanh niên, sinh viên làm chủ các thông tin trên mạng xã hội. Chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền của Đoàn, các công cụ nắm bắt và định hướng thông tin cho thanh niên, sinh viên trên internet và mạng xã hội. Chủ động xây dựng, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh Youtube, Fanpage, group Facebook trong thanh niên, sinh viên; tổ chức chặt chẽ, hiệu quả hoạt động đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trên không gian mạng. Tổ chức Đoàn cần chú trọng phát động các chương trình hành động, các mô hình hướng tới việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội lôi cuốn đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia. Đồng thời, tiếp tục triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội, nhằm hình thành thói quen tốt trong lực lượng thanh niên, sinh viên; thông qua đó, tạo thành trào lưu, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của lực lượng thanh niên, sinh viên.
Trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa, nhất là trước âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch tập trung tới thế hệ trẻ (thanh niên, sinh viên); tổ chức Đoàn cần chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, định hướng thanh niên, sinh viên sống đẹp, sống trách nhiệm và không ngừng vươn lên khẳng định bản thân, cống hiến cho xã hội và đất nước. Theo đó, quan tâm triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, các kỹ năng mềm, hành trang hội nhập cho thanh niên, sinh viên. Đặc biệt, coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên, sinh viên về lòng nhân văn, nhân ái, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, tinh thần hiếu học, yêu lao động, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Thực hiện tốt vai trò “đồng hành” với thanh niên, sinh viên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên, sinh viên; tập hợp, đoàn kết rộng rãi thanh niên, sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy và tạo sự lan tỏa sâu rộng tầm ảnh hưởng của những phong trào tích cực, những tấm gương điển hình, gương người tốt, việc tốt như “Sinh viên 5 tốt”, “Sao Tháng Giêng”,… đối với thanh niên, sinh viên, nhất là trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Định kỳ tổ chức chặt chẽ, hiệu quả các chương trình diễn đàn, các hoạt động giao lưu, tuyên dương điển hình tiên tiến trong lực lượng thanh niên, sinh viên; chủ động phê bình, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, hành vi lệch chuẩn của thanh niên, sinh viên, không để các tệ nạn xã hội len lỏi, tấn công vào trong lực lượng thanh niên, sinh viên. Trên thực tế, công tác giáo dục mục tiêu, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, sinh viên thông qua thực tiễn phong trào rất quan trọng. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục duy trì các phong trào có hiệu quả thiết thực, triển khai các phong trào mới phù hợp với yêu cầu, nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội và của thanh niên, sinh viên. Qua phong trào, chương trình sẽ tạo môi trường tích cực, lành mạnh, hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên, sinh viên rèn luyện, phấn đấu vươn tới các giá trị cao đẹp trong cuộc sống, thúc đẩy thanh niên, sinh viên hành động, thể hiện trách nhiệm của mình với chính bản thân mình, với gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.
Phải nhận định rằng, thanh niên, sinh viên là lực lượng quyết định chính sự nhanh hay chậm, thành công hay thất bại của quá trình hội nhập quốc tế. Đa số thanh niên hiện nay đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt; tinh thần xung phong tình nguyện và ý thức chia sẻ cộng đồng cao; thanh niên là lực lượng có nhu cầu và khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu và đổi mới về khoa học công nghệ hiện đại; năng động sáng tạo, luôn chủ động học hỏi những cái mới và tiến bộ của nhân loại,… Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi cho đất nước và mỗi địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong thời kỳ mới, thanh niên, sinh viên Việt Nam phải là những người sống có hoài bão và lý tưởng, có bản lĩnh chính trị kiên định, có lập trường tư tưởng vững vàng. Tin rằng, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và hành trang về tri thức, về cuộc sống,… lực lượng thanh niên, sinh viên sẽ làm tốt vai trò và sứ mệnh dựng xây đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Sưu tầm