Tuổi trẻ Bình Định tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn

Gương, mô hình tiêu biểu Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp Tài năng trẻ Tin tốt, chuyện đẹp

Có tinh thần trách nhiệm cao, sống nhân ái với cộng đồng và không ngừng sáng tạo. Họ đại diện và lan tỏa tinh thần, khát vọng tích cực của lớp đoàn viên, thanh niên thời đại mới. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 – 26.3.2021), Báo Bình Ðịnh xin giới thiệu 5 gương mặt thanh niên tiêu biểu.

Xung phong vào tâm dịch

Nguyễn Hữu Thủy Tiên (27 tuổi) tốt nghiệp ĐH Y khoa Vinh loại giỏi và được đặc cách biên chế về làm việc tại Khoa Tai – mũi – họng (BVĐK tỉnh) vào năm 2018. Tinh thần tình nguyện luôn có sẵn từ lúc về công tác tại BVĐK tỉnh, bác sĩ trẻ này thường xuyên tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Đặc biệt vào tháng 8.2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, Thủy Tiên đã xung phong tình nguyện ra tâm dịch. Đây không phải là quyết định nhất thời  mà Thủy Tiên đã nung nấu từ lâu. Bởi chị không thể làm ngơ khi đồng nghiệp của mình lao vào tâm dịch. Công việc tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn hầu như không kể giờ giấc. Thủy Tiên đã tham gia tập huấn công tác cấp cứu bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng; phối hợp với chuyên gia, bác sĩ của các đơn vị khác lên kế hoạch, tình huống lâm sàng giả định, điều trị bảo đảm tốt nguyên tắc vô khuẩn khi các bệnh nhân từ các bệnh viện ở tuyến đầu đưa về. “Luôn mặc đồ bảo hộ nên người tôi mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại. Chưa hết, thời điểm ấy, bác sĩ nữ phải cắt tóc ngắn, còn nam phải cạo trọc đầu để đảm bảo vô khuẩn trong quá trình làm việc cũng như tránh lây nhiễm chéo trong điều trị. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi lần nhận lại lời cảm ơn hay ánh mắt thân thiện của bệnh nhân, lòng tôi thấy ấm áp vô cùng!”, Thủy Tiên chia sẻ.

Ngại chi gian khó

Gần 3 tháng nay, trung úy Nguyễn Văn Quỳnh (28 tuổi, Phòng Trinh sát, BĐBP tỉnh) vẫn đang tham gia làm nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Kiên Giang. Trước khi lên đường, trung úy Quỳnh khẳng định chắc nịch: “Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, khi nào hết dịch mới về!”.

Khu vực chốt biên phòng số 1 (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên) do trung úy Quỳnh làm chốt trưởng chỉ cách biên giới Campuchia vài chục mét và có địa hình hết sức phức tạp. Trung úy Quỳnh cùng các anh em trong chốt luôn trực 24/24 giờ, ít nhất 6 tiếng/ngày kiểm soát tất cả các đường mòn, lối mở, đường sông để giữ vững địa bàn. Tết Nguyên đán vừa qua, trung úy Quỳnh cũng như bao cán bộ, chiến sĩ khác đã ở lại chốt làm nhiệm vụ. “Ngại chi gian khó, chúng tôi động viên nhau cùng vững vàng nơi biên cương và xem đây là vinh dự của mình và gia đình. Bởi khi gắn trên vai quân hàm xanh, chúng tôi đã tâm niệm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, giữ vững bình yên cho nhân dân là quan trọng nhất”, trung úy Quỳnh bày tỏ.

Đừng giậm chân tại chỗ

Đó là nhắn nhủ của anh Đào Quyết Thắng (giảng viên khoa Kinh tế và Kế toán, Trường ĐH Quy Nhơn). Đúng như cái tên của mình, ở tuổi 31, anh Thắng đã là một trong những tiến sĩ trẻ nhất của trường và sở hữu trong tay 5 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, xuất bản 3 cuốn sách và 20 bài báo khoa học. Các công trình nghiên cứu của anh tập trung vào các lĩnh vực như: Phát triển kinh tế nông nghiệp; phát triển khu công nghiệp ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế người dân, các hoạt động phát triển DN và phát triển du lịch bền vững.

Sở hữu bề dày thành tích trong nghiên cứu khoa học nhưng ít ai biết rằng anh Thắng vốn là dân ngoại đạo trong lĩnh vực nghiên cứu. Thời gian đầu, anh Thắng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ sư phạm (vì chuyên ngành không phải là sư phạm). Bên cạnh đó, anh cũng còn thiếu kinh nghiệm nghiên cứu, khả năng tiếp cận nguồn học liệu lại khá hạn chế, đặc biệt là tài liệu quốc tế. Và đã đôi lần làm nghiên cứu thất bại; nhưng anh Thắng cho rằng, điều quan trọng là mình đã rút ra được bài học gì từ những thất bại đó. “Việc học tập và trau dồi kiến thức, kỹ năng công tác cũng như chèo thuyền ngược dòng. Nếu chúng ta không cố gắng tiến lên, thỏa mãn, giậm chân tại chỗ, cũng đồng nghĩa với việc đang bước thụt lùi”, anh Thắng chia sẻ.

Với những thành tích đạt được, trong  5 năm qua, anh Thắng đã 2 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận 1 bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh; 2 lần vinh dự là đại biểu tham gia diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; được Tỉnh đoàn tuyên dương là một trong 90 ĐVTN tiêu biểu năm 2021.

Dám dấn thân, dám thử thách

Đó là những gì ngắn gọn nhất để nói về sinh viên (SV) Lê Phương Thảo (lớp Sư phạm Toán K40, Trường ĐH Quy Nhơn) – một trong 90 ĐVTN tiêu biểu năm 2021 và SV 5 tốt cấp tỉnh năm học 2019 – 2020. Việc học với SV năm cuối như Thảo rất bận rộn, nhưng bạn luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia nhiều hoạt động và chương trình của khoa, trường. Bởi Thảo luôn quan niệm rằng, 4 năm SV là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng sẽ ý nghĩa nếu mình dám dấn thân, dám thử thách bản thân. Ngoài vạch ra mục tiêu rõ ràng, Thảo luôn phân cấp mức độ quan trọng, ít quan trọng cho từng việc và sắp xếp chúng vào những khoảng thời gian hợp lý; đặc biệt luôn có tinh thần, thái độ học tập tốt. Đặc biệt, năm học vừa qua đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nữ SV này khi đạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường với đề tài “Phân tích chuỗi thời gian bằng mô hình ARIMA với phần mềm R”. “Tự thử thách bản thân mình ở nhiều hoạt động và chương trình Đoàn, Hội, em đã có nhiều bài học thú vị mà có thể không được học trên giảng đường. Còn tham gia nghiên cứu khoa học là cơ hội để em gặt hái kiến thức, phát triển kỹ năng tư duy, hay nói năng trước công chúng”, Thảo chia sẻ.

Khởi nghiệp từ gian khó

Hơn 5 năm theo đuổi nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ, đến nay cơ sở gỗ mỹ nghệ của anh Bùi Văn Bằng (27 tuổi, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) đã có chỗ đứng trên thị trường. Cũng như bao thanh niên khác, việc khởi nghiệp của anh Bằng cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn và thị trường. Từ nguồn vốn vay 200 triệu đồng của  “Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp”, anh Bằng đầu tư máy móc, và cho ra đời những sản phẩm mang đậm phong cách làng nghề và bản sắc riêng. Công việc “chạy đều” nên thu nhập cũng ổn định. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở gỗ mỹ nghệ mang lại cho anh Bằng thu nhập hàng chục triệu đồng và tạo việc làm cho 4 thanh niên địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Bằng cũng có thời gian gần 5 năm làm Bí thư Chi đoàn thôn Tân Kiều. Thời gian đó, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, gương mẫu trong học tập, đi đầu trong mọi hoạt động tại địa phương. Đồng thời, luôn quan tâm, giúp đỡ các ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đóng góp sức người, sức của để chung tay, góp sức cùng chính quyền tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với những đóng góp của mình, Bùi Văn Bằng đã được Tỉnh đoàn tuyên dương là gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2019 và mới đây, anh cũng là một trong 90 ĐVTN tiêu biểu năm 2021 được Tỉnh đoàn tuyên dương.

Ban Tuyên giáo tổng hợp

Trả lời