Tuy Phước: Tập huấn hò, hát bài chòi trong đoàn viên, thanh niên

Hoạt động cấp huyện Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam chứa đựng cả âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, chuyển tải các thông điệp về tình yêu quê hương đất nước và sự gắn kết cộng đồng. Bài Chòi phổ biến khắp miền Trung vì đây vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã, vừa là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật. Từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò. Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát – hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác. Qua thời gian, để nhiều người có thể biết cách chơi hát – hô này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội bài chòi.

Do đó, nhằm bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật hô, hát bài chòi; BTV Huyện đoàn đã phối hợp với Trung tâm VH-TT-TT huyện tổ chức lớp tập huấn hô, hát bài chòi trong Đoàn viên, thanh niên từ ngày 9-11/12/2023 với sự tham gia của 80 cán bộ Đoàn và ĐVTN trên toàn huyện. Tại lớp học các bạn trẻ đã được nghe nghệ nhân báo cáo về quá trình hình thành, phát triển, cách thức hô hát và luyện tập hô hát bài chòi. Ngoài ra, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả học tập BTC đã dựng lại bối cảnh thực tế của hội hô, hát bài chòi với 04 đội tham gia gồm 12 thành viên là học viên xuất sắc tại lớp học để diễn sướng cho bà con nhân dân tại khu vực thưởng thức.

Với nhiều làn điệu hấp dẫn, ý nghĩa lớp tập huấn đã góp phần phổ biến kiến thức, kỹ năng hô, hát và khơi dậy tinh thần yêu quê hương, chung tay quảng bá bản sắc văn hóa, du lịch đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Đây là hoạt động cụ thể, cần được tổ chức thường xuyên và nhân rộng nhằm tiếp tục phát huy tốt vai trò của tuổi trẻ trong tham gia phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc dân tộc. Kết thúc lớp tập huấn BTC đã trao chứng nhận và khen thưởng các cá nhân đã tích cực tham gia lớp tập huấn.

Nguyễn Bảy 

Trả lời