Mất một chân sau tai nạn giao thông thảm khốc ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, anh Nguyễn Văn Lưu (25 tuổi), sống tại huyện Phù Cát vẫn luôn lạc quan, mỉm cười trước số phận và thường xuyên làm việc thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Khuôn mặt điển trai, cùng nụ cười luôn nở trên môi, Lưu không hề than vãn về số phận của mình. “Có lẽ, việc mất đi một chân đã cho tôi những cơ duyên mới, gặp được nhiều người, làm được nhiều việc thiện”.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, anh Lưu mơ ước được đi học sẽ có được việc làm ổn định nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Anh từng là sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Học năm nhất, do hoàn cảnh khó khăn, anh gác ước mơ giảng đường, đi làm sớm. Nhưng số phận đã không mỉm cười với anh, sau tai nạn kinh hoàng anh đã vĩnh viễn mất đi 1 chân, trở thành người tàn phế. Càng nghĩ, Lưu càng tuyệt vọng, đã có lúc anh nghĩ đến cái chết nhưng anh thương bố mẹ nên không đành lòng. Rời bệnh biện, Lưu trở về quê nhà, tập đi với chân giả. Những ngày đầu phải nhờ bố mẹ dìu, đến bây giờ, với chiếc chân giả ấy, Lưu đã tự đi đến nhiều nơi, thậm chí còn tham gia lớp tập gym để nâng cao sức khỏe.
Mối duyên với những hoàn cảnh khó khăn
Nhắc đến cụ bà Lê Thị Tường – 95 tuổi, thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, huyện Phù Cát không có người thân, Lưu nuối tiếc vì chưa giúp đỡ cụ được bao lâu. Đầu năm 2019, biết đến hoàn cảnh cụ, Lưu đã tìm đến nhà, chứng kiến cụ nằm co ro trên giường, nhiều phần cơ thể bị lở loét vì không đi lại được, trong nhà không có đồ dùng giá trị ngoài một chiếc quan tài cụ chuẩn bị trước. Lưu bèn tự tay tắm rửa, sắm sửa đồ dùng, chăn ga gối mới cho cụ. Lưu nghẹn ngào nói và cho biết “Ngắm cụ ngủ ngon, cuộn tròn trong chiếc chăn mới, lòng mình vui và thấy nhẹ nhàng hơn. Sau hôm đó, mình kêu gọi thêm các nhà hảo tâm giúp đỡ cụ. Số tiền quyên góp lên đến hơn 167 triệu đồng nhưng vì sức khỏe yếu, cụ ra đi khi chưa kịp đón nhận tấm lòng của mọi người”. Anh đã trích một phần số tiền để lo tang lễ, nơi thờ cúng và các đám lễ giỗ cho cụ. Phần còn lại, Lưu xin ý kiến các nhà hảo tâm để chuyển đến những hoàn cảnh khó khăn khác.
Bên cạnh việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, “thiên thần cụt chân” – biệt danh mà nhiều người đặt cho Lưu còn thường xuyên vào bệnh viện phát cơm từ thiện cho mọi người. Lưu rất thích câu nói: “Ánh sáng xuyên qua màn đêm, niềm tin đâm chồi từ nghịch cảnh là niềm tin mãnh liệt nhất” và coi đó là kim chỉ nam cho cuộc sống của mình.”
Vừa qua anh được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng giấy khen vì tinh thần thiện nguyện, luôn giúp đỡ người khác cùng với nghị lực vươn lên trong cuộc sống của anh Nguyễn Văn Lưu
“Trải qua những cú sốc lớn, đến cuối cùng, tôi mới hiểu, hóa ra hạnh phúc là một loại cảm giác. Thay vì buồn đau, thôi thì kệ, cuộc đời quá ngắn, ta cứ mỉm cười và bước tiếp, có thể giúp một ai đó dù là việc rất nhỏ, tất sẽ cảm thấy thanh thản và an nhiên trong lòng… Hi vọng những việc làm nhỏ của tôi có thể xoa dịu phần nào nỗi đau mà họ gánh chịu. Còn khỏe mạnh, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình”. Và cứ thế, Nguyễn Văn Lưu cần mẫn viết thêm những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…
Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn