Vẫn cố tình xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Hoạt động ngoại giao Việt Nam
Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản cho biết 'Thút HÙNG CƯƠNG THẾ GIỚI NHIỀU BIẾN ĐỘNG, "NGOẠI GIAO CÂY TRE" KHẲNG ĐỊNH BẢN LĨNH VIỆT NAM DMAGAZINE DÂN TRÍ 2023'
Thời gian gần đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tiếp tục có nhiều hoạt động ngoại giao với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng. Đây là những hoạt động bình thường tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, tiếp tục duy trì và nâng cao các quan hệ đã có, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia – dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đẩy mạnh hội nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thế nhưng bên cạnh những cái nhìn thiện cảm, những nhận định, đánh giá khách quan về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, thành công từ những chuyến thăm và các hoạt động ngoại giao nổi bật ấy, đâu đó vẫn còn những cái nhìn thiển cận, những ý kiến phiến diện, suy diễn chủ quan của một số người thiếu thiện chí, những phần tử bất mãn, phản động chuyên tìm cách chống phá Việt Nam. Đặc biệt từ sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam và việc hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện; hay mới đây nhất là chuyến công tác tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và việc bên lề Diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp và mời Tổng thống Nga Vladiminr Putin thăm Việt Nam…, thông qua một vài trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội thiếu thiện chí với Việt Nam ở nước ngoài, họ cố tình xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa và kết quả của các hoạt động ngoại giao này. Đáng lưu ý có người hồ đồ suy diễn rằng, Mỹ đang muốn “lôi kéo” Việt Nam để chống Trung Quốc. Bình luận về sự kiện Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, có luận điệu cho rằng, Hoa Kỳ đã xây dựng được “một căn cứ tiền tiêu quan trọng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc”. Họ cho rằng Việt Nam đang chịu sự “chi phối” của Trung Quốc; đả kích, xuyên tạc việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” là “tiếp tay” cho Trung Quốc; phản đối việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Putin thăm Việt Nam… Họ cho rằng lập trường của Việt Nam “không kiên định” lúc đi theo nước này, lúc ngả theo nước kia…
Chúng ta chẳng lạ trong âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, chính sách đối ngoại là một trong những mục tiêu mà họ xoáy vào. Sự xuyên tạc, bịa đặt một cách vô lối nêu trên không nhằm mục đích gì khác là phá hoại đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam; kích động, chia rẽ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là với Mỹ, Trung Quốc và Nga hòng làm cho dư luận quốc tế và người dân trong nước hiểu sai bản chất đường lối đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhưng họ cũng không thể đánh lừa được dư luận bởi thực tế đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu hồ đồ, vô căn cứ ấy.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế… những năm qua, đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, đáng tự hào trong công tác đối ngoại, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu. Đối ngoại song phương và đa phương từng bước điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao nhà nước với 193 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có 5 nước đối tác chiến lược toàn diện và 12 nước đối tác toàn diện; có quan hệ với hơn 220 thị trường nước ngoài. Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế… Những thành quả của công tác đối ngoại đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước. Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh – “Ngoại giao cây tre”. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích: “Đây là nền ngoại giao đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa”.
Trong bối cảnh mới, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay đang diễn ra phức tạp, gay gắt trên nhiều lĩnh vực. Trước thực tế đó, quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn rất rõ ràng, kiên định. Việt Nam luôn kiên trì phương châm là bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở độc lập, tự chủ và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mục đích của Việt Nam là tạo được lợi ích chung với các nước – đó là duy trì hòa bình, ổn định. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Việt Nam dứt khoát không “chọn bên”; không chịu “chi phối” bởi bất cứ quốc gia nào; không liên minh, liên kết hay “tiếp tay” cho nước này để chống nước kia; không bị “lôi kéo” theo nước này để chống nước khác. Việt Nam luôn xác định bảo vệ độc lập chủ quyền và xây dựng, phát triển đất nước là do mình, trên cơ sở tranh thủ sự ủng hộ tối đa của các nước, chứ không thể trông chờ vào bất cứ nước nào. Trong giải quyết những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là giải quyết các tranh chấp Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là phải bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Chủ trương và cách giải quyết đó của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân cũng như toàn xã hội, được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ.
Trước những diễn biến mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Như vậy có thể thấy, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Những gì đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thêm một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả trong đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nếu ai đó nói rằng Việt Nam “tiếp tay” hay bị “lôi kéo”; chịu “chi phối”… bởi nước này nước kia thì đó là hành động cố tình suy diễn, xuyên tạc, bịa đặt nhằm mưu đồ xấu, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động làm cho tình hình thêm phức tạp, gây hoài nghi, bất ổn, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân Việt Nam luôn đề cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu và kiên quyết đấu tranh phản bác, loại bỏ những luận điệu sai trái ấy ra khỏi đời sống trong nước và quan hệ hợp tác quốc tế./.
BTG tổng hợp 

Trả lời