Anh Phạm Ngọc Tú ở thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn – một thanh niên sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ anh Tú đã phải lam lũ với các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và từ đó đã hình thành trong người thanh niên nông thôn này ý tưởng gắn bó và vươn lên làm giàu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản lý đất đai anh đã quyết định từ bỏ thành phố để về quê thực hiện ý tưởng của mình.
Dám nghĩ, dám làm
Qua thực tiễn anh nhận thấy rằng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu của con người là được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, giá cả hợp lý. Nắm bắt được xu hướng đó và cộng với những ý tưởng đã ấp ủ lâu nay, anh Tú mạnh dạn quyết định huy động nguồn vốn từ gia đình, người thân, bạn bè để mở trang trại trồng trọt và chăn nuôi tổng hợp theo chuỗi khép kín, tận dụng tối đa phụ phẩm của sản phẩm này là đầu vào cho sản phẩm kia làm giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng tối đa lợi nhuận, bảo vệ môi trường.
Để triển khai thành công ý tưởng lập nghiệp của mình anh Tú phải chuẩn bị rất kỹ các điều kiện cần thiết như trồng cây gì, nuôi con gì, phương án bảo quản sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm như thế nào… Nghĩ là làm, với số vốn vận động được ban đầu là 650 triệu đồng, anh đã tiến hành thuê đất từ nguồn quỹ đất dự phòng của xã, mua sắm các trang thiết bị, xây dựng chuồng trại, lắp hệ thống tưới bán tự động, mua máy cày đất, máy bơm…Anh Tú cho biết, mô hình sản xuất của anh phát triển theo hướng đa canh với các loại sản phẩm như: bò thịt, trùn quế, đậu phộng, dưa hấu… và một số loại hoa màu khác, mô hình sản xuất đa canh này là một nhóm sản phẩm có mối liên hệ và hỗ trợ lẫn nhau mà mắc xích chính là việc tận dụng phế phẩm và xử lý chất thải vật nuôi chống ô nhiễm môi trường. Mô hình đa dạng các sản phẩm khác nhau nên khi gặp rủi ro như thiên tai, thời tiết bất lợi, dịch bệnh hay thị trường không ổn định thì có thể sản phẩm này không tạo được nguồn thu thì vẫn có sản phẩm khác thay thế nguồn thu để bù lại. Đây cũng là một mô hình hay giúp bà con nông dân giải quyết bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa thường hay xảy ra.
Hiệu quả bước đầu sau hai năm triển khai
Hiện tại dự án đã được triển khai thực hiện được hai năm và cho kết quả bước đầu rất khả quan. Anh chia sẻ, khi mới bắt tay vào thực hiện, anh gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, đầu ra cho sản phẩm…Nhận thấy được hạn chế đó, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn; các hoạt động tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tại các địa phương, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi trồng nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; tích cực nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, mạng internet…để nâng cao hiểu biết và tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Hai năm đầu là giai đoạn hình thành và khó khăn của dự án, tuy nhiên với tinh thần cần cù, chịu khó, siêng năng, năm 2017 anh đã xuất bán bò siêu thịt và bê con cho lợi nhuận 130 triệu đồng/năm cộng với các khoản thu từ trồng trọt hoa màu; tổng lợi nhuận 160 triệu đồng/năm; 9 tháng đầu năm 2018 thu hoạch đậu phộng cho lợi nhuận 150 triệu đồng (10 tấn đậu) và cộng với thu các loại hoa màu khác, tổng thu đến thời điểm hiện tại cho tổng lợi nhuận khoảng 180 triệu đồng.
Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp sạch của địa phương, qua đó đáp ứng được nhu cầu ăn ngon, ăn sạch của người dân hiện nay, đồng thời giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho thanh niên, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của quê hương mình. Ngoài việc sản xuất kinh doanh, anh Tú là một Bí thư chi đoàn tích cực trong việc vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn, Hội; góp phần xây dựng phong trào Đoàn, Hội tại đia phương vững mạnh.
Bích Đào – Ban Phong trào Tỉnh đoàn