NHÀ TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG LIỆT SĨ NGÔ MÂY

Hành trình đến với địa chỉ đỏ

Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây xuất thân trong một gia đình nghèo tại thôn Vân Triêm (nay là thôn Chánh Hội), xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. Năm 1945, anh tham gia Việt Minh cướp chính quyền tại huyện Phù Cát và trở thành đội viên “Đội tự vệ sắt”  của làng. Khi quân Pháp tái chiếm Đông Dương, anh tham gia du kích xã, chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 4.1947, anh nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội quyết tử của Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 94, liên khu 5. Tại đây, Ngô Mây xung phong nhận một quả bom chờ ngày xung trận. Ngày 24.10.1947, lính Pháp từ An Khê đánh xuống Bình Định theo quốc lộ 19. Anh ôm bom chờ địch ở ven bờ suối Vối, cách An Khê 2 km. Khi địch lọt ổ phục kích, Ngô Mây lao thẳng vào đám địch đông nhất với quả bom trong tay. Bom nổ, hơn một trung đội lính Âu Phi tan xác. Quân ta ào lên tấn công, địch hoảng hốt rút chạy về An Khê, bỏ dở trận càn. Sau khi hy sinh, anh hùng liệt sĩ Ngô Mây được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Để ghi nhớ công ơn của người anh hùng trẻ tuổi, trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ và nhân dân huyện Phù Cát nói chung, xã Cát Chánh nói riêng, ngày 24.4.2017, công trình Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Ngô Mây được khởi công xây dựng tại thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, gần ngay nơi ông sinh ra và lớn lên. Nhà tưởng niệm được thiết kế một tầng, mặt bằng nhà theo kiểu hình vuông diện tích 135 m2, chiều cao công trình 7,5 m, không gian nhà được bố trí cân đối cùng với các hạng mục phụ trợ đảm bảo cảnh quan hài hòa, tao nhã. Toàn bộ kinh phí xây dựng trên 5 tỉ đồng do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả tài trợ.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2017) và 70 năm ngày hy sinh của anh hùng liệt sĩ Ngô Mây, huyện Phù Cát đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Ngô Mây.

 

        Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Ngô Mây là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc, một địa chỉ đỏ, một không gian thiêng liêng và trang trọng để tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Ngô Mây và công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đây cũng là nơi giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, về ý chí tự lực tự cường trong dựng nước và giữ nước cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Trả lời