Phù Mỹ: Hành trình về địa chỉ đỏ năm 2023

Hoạt động cấp huyện Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Hoạt động Hội Hội LHTN Việt Nam

Trong chuỗi hoạt động nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) năm 2023, ngày 29/7/2023, Huyện đoàn, Ủy ban Hội huyện Phù Mỹ tổ chức hành trình đến các địa chỉ đỏ tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Điểm đến đầu tiên của hành trình tại Bảo Sơn Thiên Ấn (Tây Sơn). Tại đây, đoàn được tham quan tìm hiểu thực tế và dâng hương.

Bảo Sơn Thiên Ấn là một khu du lịch tâm linh được xây dựng vào năm 2012 để kỷ niệm 220 năm ngày mất của vua Quang Trung (1792 – 2012) trên núi Ấn Sơn, bên quốc lộ 19, thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 43km. Có thể nói, khu di tích Bảo Sơn Thiên Ấn – Tây Sơn không chỉ mang vẻ bề thế, nguy nga mà còn toát lên được sự nghiêm cẩn, uy nghi, qua đó thể hiện được sự tôn kính của con cháu đời sau đối với sự hi sinh lớn lao của các anh hùng dân tộc để đất nước có được như ngày hôm nay.

Rời Bảo Sơn Thiên Ấn, Đoàn đến thăm Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Di tích Huyện đường Bình Khê (thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Tại đây Đoàn được tham quan, thắp hương, nghe thuyết minh về Khu tưởng niệm và cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian ông làm Tri huyện tại Huyện đường Bình Khê.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, tại Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1894, cụ dự thi hương năm Giáp Ngọ và đỗ cử nhân. Năm Thành Thái thứ 13 (1901) cụ đỗ Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu và được vua Thành Thái ban tặng biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn ban cho gia đình tốt). Tháng 6/1906, sau thời gian từ chối ra làm quan, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên đường vào kinh thành Huế nhậm chức Thừa biện bộ lễ. Đến tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế phái sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Sau đó, cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê vào tháng 7/1909. Hai người con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định. Nguyễn Tất Đạt ở với cha tại Huyện đường Bình Khê, Nguyễn Tất Thành được gửi ở nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn để học tiếng Pháp. Khi giữ chức Tri huyện Bình Khê, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía nhân dân, tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành. Tháng 1/1910, cụ bị vu tội “lạm quyền” dẫn đến cái chết của một điền chủ và bị triều đình Huế triệu về kinh cách chức. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành theo lời cha dặn, không về Huế mà tiếp tục dấn thân vào con đường tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc rời Huế vào Nam Bộ sống bằng nghề bốc thuốc và dạy học. Cụ qua đời tại tỉnh Đồng Tháp vào tháng 11/1929.

Đoàn nghe thuyết minh về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

Rời Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc, đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến tham quan Di tích Gò Lăng – Quê hương của các thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện tây Sơn. Được công nhận di tích theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988. Di tích Gò Lăng là di tích lịch sử mang tính chất lưu niệm, thể hiện tình cảm của nhân dân đối với người sinh ra vị anh hùng dân tộc. Thôn Phú Lạc, xã Bình Thành là quê mẹ các thủ lĩnh Tây Sơn, Gò Lăng có nền và vườn nhà của ông bà Hồ Phi Phúc, khi ông từ Tây Sơn Thượng đạo về kết duyên với bà Nguyễn Thị Đồng. Tại nơi đây, chính quyền và nhân dân đã xây dựng đền thờ để thờ cúng ba vua hàng năm vào ngày 14 tháng 11 âm lịch.

Trong những năm qua, Huyện đoàn Phù Mỹ đã tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng và phong phú. Qua đó, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ; thể hiện hình ảnh đẹp của màu áo xanh trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Anh Trần Thế Hiệp – Bí thư Huyện đoàn Phù Mỹ, chia sẻ: “Hành trình về nguồn là một hoạt động thường niên của Tuổi trẻ huyện Phù Mỹ, với mong muốn khơi dậy cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đức anh dũng, hy sinh. Đây chính là động lực để mỗi đoàn viên, thanh niên phát huy truyền thống dân tộc, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Chuyến đi đến những “địa chỉ đỏ” trên hành trình về nguồn của tuổi trẻ Phù Mỹ đọng lại là ý nghĩa tri ân sâu sắc, làm sáng rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hành trình tham quan “địa chỉ đỏ” đã đem đến những bài học lớn cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước.

Các hoạt động cũng là một chương trình ý nghĩa nhằm tăng cường trải nghiệm, học các bài học lịch sử qua di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của thế hệ cha anh. Từ đó góp phần gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng, bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay.

Thành Phương

Trả lời